PHONG TỤC VIỆT NAM - Trang 81




Toan Ánh 81

cần thắng năm keo; ở giải nhì, người giữ giải phải thắng luôn năm keo, còn người phá
giải phải thắng luôn bốn keo, và ở giải ba, người giữ giải phải thắng luôn bốn keo, còn
người phá giải phải thắng luôn ba keo.

Những cuộc vật các giải chính bao giờ cũng sôi nổi gay gắt. Các đô vật lừa nhau

từng miếng, người xem ở ngoài cũng thấy thú vị. Thi sĩ Bàng Bá Lân trong bài thơ
"Vô địch" đã tả về đánh vật một cách rất sinh động.

Thú đánh vật dân gian ngày này ít thấy ở miền Nam, nhưng ở miền Bắc các làng có

nghề Vật, dân chúng vẫn cùng nhau luyện tập môn du hí này(1) . Hiện nay, ở miền
Nam thay vì đánh vật, có xuất hiện những môn võ mới.

* Bơi thuyền
Ngược dòng lịch sự, chúng ta thấy dân tộc Việt Nam đã bao phen đụng chạm với

ngoại tộc, và trong những cuộc đụng chạm binh đao, chúng ta có trận được trận thua.
nhưng cái được sau cùng bao giờ cũng vẫn là của chúng ta. Giao phong với địch,
chúng ta có đánh bộ, đánh thủy, và ở thủy cũng như ở bộ, chúng ta đã ghi được nhiều
chiến công oanh liệt, đã khiến cho giặc dù mạnh cũng đã nhiều phen thất đảm.

Không nói tới những trận nhỏ như trận Hàm Tử, trận Chương Dương, trận quân

chúa Nguyễn đánh chiến thuyền Hoà Lan, chúng ta chỉ nhớ mấy trận thủy chiến oanh
liệt nhất của ta là hai trận Bạch Đằng; Trận thứ nhất của Ngô Quyền đánh tan quân
Nam Hán, giết thái tử Hoằng Thao, trận thứ hai của Hưng Đạo Vương diệt quân
Nguyên, phá tan lực lượng của Thái tử Thoát Hoan.

Tổ tiên chúng ta đã giỏi về thủy chiến, tất nhiên con cháu phải tập tành để biết sử

dụng chiến thuyền khi hữu sự. Do đó có tục thi thuyền tại các hội Xuân ở những làng
ven sông nước.

Thi thuyền có nhiều lối, có nơi thi thuyền nhỏ, có nơi thuyền lớn; thi thuyền nhỏ

dùng một hai bơi chèo, thi thuyền lớn dùng nhiều bơi chèo. Lề lối bơi thuyền cũng tùy
nơi thay đổi, nhưng điểm chính vẫn là bơi làm sao cho đều tay để thuyền đi nhanh và
tới đích trước.

Trong những cuộc thi thuyền lớn, chiếc thuyền thường có một đôi tay bơi, mỗi

người một chiếc bơi chèo, có người đứng đầu thuyền đánh trống cầm nhịp và có người
đứng đuôi chuyên giữ lái cho thuyền đi.

Có nơi thay vì dùng bơi chèo, mỗi người đều bơi bằng một chiếc đĩa.
Sau này, hàng năm vào ngày hội đền Ba Vua, ba anh em vua Tây Sơn, ở làng Kiến

Mỹ, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, mồng 5 tháng Giêng, thường có tổ chức thi bơi
thuyền.

Và ở nhiều nơi khác, gần sông, gần biển, dân chúng cũng thường tổ chức những

cuộc thi bơi ghe, bơi chải.

*Thả chim
Chim bồ câu là một loại chim rất khôn và rất nhớ chuồng, dù mang nó đi đâu xa,

thả chúng, chúng cũng định hướng để tìm về chuồng cũ. Người xưa và cả ngày nay
nữa, thường dùng chim bồ câu để đưa thư, trong những trường hợp đi xa muốn gửi tin
về nhà.

Tục chơi chim bồ câu thi của ta xưa căn cứ vào đức tính nhớ chuồng của loài chim,

và ở các hội Xuân vẫn có tục thả chim thi.

Mỗi đàn chim bay thi chỉ được phép có mười con, không hơn, không kém.
Trong những hội có thi chim, các tay chơi chim mang đàn chim của mình tới dự.
Nuôi chim thi rất công phu, không nên để nó ăn béo quá, mà phải cho nó ăn chắc

để có sức bay cao. Chim thi phải bay thật cao, và phải bay gọn mới được giải. Thường
có ba giải cho ba đàn chim bay cao nhất.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.