PHONG TỤC VIỆT NAM - Trang 98




Phong Tuc Tap Quan Viet Nam


Ở đây không tính tới người vợ, người vợ chỉ ngang với gia trưởng và thay thế

người gia trưởng trong việc điều khiển gia đình khi người gia trưởng vắng mặt.

Thường trong một gia đình chỉ có cha mẹ và ông bà; cụ kỵ còn sống rất hiếm, nhất

là ngày nay, người ta lập gia đình muộn.

Thành phần trên đều là những người thuộc họ nội nghĩa là có liên quan huyết thống

với chủ gia đình.

Ngoài ra còn có họ ngoại nữa, gồm cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, anh chị em của người

mẹ, tuy không ở cùng một gia đình, nhưng vẫn là người trong quyến thuộc, nghĩa là
vẫn có sự liên can mật thiết giữa người nọ với người kia. Có thể nói vắn tắt họ ngoại
gồm những người có liên quan huyết thống với người vợ của gia trưởng.

Nói đến thành phần của gia đình, nhất là khi đã nhắc tới quyến thuộc, phải kể cả

đến những chị em dâu, anh em rể là những người vợ hoặc chồng của anh chị em mình.
Những người này có khi cùng ở chung với bố mẹ vợ, nghĩa là sống chung ở một cơ
ngơi.

Về quyến thuộc còn phải kể đến các bác, các chú là anh em của người cha. Con cái

các bác các chú là anh em họ nội hoặc anh em thúc bá với mình, con cô đối với mình
là anh em họ con cô con cậu, còn gọi là "biểu huynh đệ", "biểu tỉ muội".

Đi trở lên nữa có các ông chú, ông bác, bà bác, bà cô là các anh chị em của ông nội

mình, và trên hàng này là các cụ chú, cụ bác, cụ cô.

Về họ ngoại, anh trai của mẹ gọi là bác, em trai của mẹ gọi là cậu, chị của mẹ là già

cũng có nơi gọi là bác gái, em của mẹ là dì. Con cái các bác, cậu, già, dì đều là "biểu
huynh đệ" và "biểu tỉ muội", anh em con cô con cậu, con dì con già.

Nếu kể đến cả chồng cô, vợ bác, vợ chú thì chồng cô là chú rể hoặc chú dượng, vợ

bác là bác gái, còn vợ cậu là mợ.

Qua các điểm trên chúng ta thấy gia đình Việt nam bao quát rất rộng, và mọi người

đều thân thuộc với nhau qua mọi liên hệ, không bởi họ nội thì họ ngoại, nhiều khi bởi
cả hai bên nội ngoại.

Trong một gia đình chung sống với nhau, nếu tự lấy mình làm bản vị, tính trở lên

cho đến hai kị là cao tổ phụ và cao tổ mẫu, tất cả năm đời. Năm đời cùng ở chung với
nhau gọi là "ngũ đại đồng đường". Trường hợp này rất hiếm, ngày xưa vẫn có, nhưng
ngày nay với việc lập gia đình muộn và do cuộc sống ta không còn thấy cảnh qúy hoá
này nữa.

Bốn đời cùng ở với nhau gọi là "tứ đại đồng đường", trường hợp này, ngày nay vẫn

có.

Ba đời ở với nhau gọi là tam đại đồng đường. Đây là sự thường vì chỉ gồm có ông

bà cha mẹ và các cháu.

Nếu tự lấy mình làm bản vị, tính trở xuống cho đến chút tức là "huyền tôn", tất cả

cũng năm đời:

Con, chữ là tử
Cháu, chữ là tôn
Chắt, chữ là tằng tôn
Chút, chữ là huyền tôn
Tính từ kỵ đến chút là "cửu tộc".
Theo luân thường đạo lý của người Việt Nam, những người cùng họ nội không

được phối ngẫu với nhau. Như vậy là phạm điều cấm, mắc tội loạn luân, phong tục
không dung mà pháp luật cũng trừng phạt. Sự loạn luân rất có hại cho giống nòi.

Về họ ngoại, anh em con cô, con cậu, con dì, con già còn phải để tang nhau cũng

không được lấy nhau. Kể từ anh em đời cháu trở đi có thể lấy nhau được.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.