Những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Sư tổ đã sống ở đỉnh Cửu
Thiên này.
Theo lý mà nói, nơi mà Sư tổ phi thăng nên được coi là thánh địa để bảo
tồn, nhưng không biết vì sao, cuối cùng đỉnh Tiếp Thiên ở Cửu Thiên lại
trở thành cấm địa giam cầm trọng phạm.
Cũng giống như cuộc đời Sư tổ, nửa đời trước huy hoàng xán lạn ai ai
cũng biết, nhưng những chuyện cuối cùng trước lúc phi thăng, các đời Điện
chủ lại giữ kín như bưng, rõ ràng lẽ ra phải là ca ngợi tán thưởng khắp nơi
rằng người đã phi thăng huy hoàng thế nào, song lại chỉ khô khốc một câu:
Sư tổ công thành, thuận lợi phi thăng.
Bao nhiêu năm nay, không có mệnh lệnh của Điện chủ, không ai được
phép lên đỉnh Tiếp Thiên, và bởi vì môi trường khắc nghiệt ở đỉnh Tiếp
Thiên gây tổn hại cực lớn đến cơ thế, nên cũng không ai muốn mạo hiểm
trèo lên đây hóng gió.
Thế là ba trăm năm nay, chỉ có những kẻ phạm trọng tội mới bị nhốt ở
đây.
Một trăm năm mươi năm trước, đại vương bộ Dạ Xoa bị đóng trên giá
hình, đã dùng toàn bộ sức lực để gào rống, đau đớn gầm thét, oán hận số
phận bất hạnh; một trăm năm mươi năm sau, Trưởng Tôn Vô Cực đến đây
với thái độ đã chuẩn bị sẵn sàng.
Cách đây rất lâu rồi, vào một hôm, hắn đã vô tình tìm được một tập giấy
cũ bẩn dùng để kê chân giá sách ở Tàng Thư Lầu.
Tập giấy đó không phải sách, chỉ là một quyển ghi chép linh tinh, xen
lẫn trong đống sách cũ nát, bị người ta tùy tiện vứt đi. Nội dung trong tập
giấy rất hỗn tạp, đề cập đủ chuyện từ thiên văn địa lý đến phong cảnh nhân
tình, giống như cuốn nhật kí của một người hành tẩu thiên hạ.