và khóc thầm một mình vì thương ông. Với tôi, chế độ đẳng cấp chính là kẻ
thù kìm hãm cha tôi.
Mười lăm tuổi bắt đầu chí hướng đọc sách
Tôi đã không trở thành một nhà sư như cha mong muốn. Không trở thành
nhà sư, mà ở nhà nên dĩ nhiên là tôi phải đi học. Thế nhưng không ai kèm
tôi cả. Anh trai hơn tôi có 11 tuổi, còn ở giữa thì toàn là chị gái. Mẹ tôi một
thân một mình, nhà không có anh nô hay người hầu, nên mẹ phải tự thổi
cơm nấu nước, chăm sóc đàn con nhỏ và không thể nghĩ đến việc kèm con
học tập, mà nói đúng ra là đành bỏ mặc.
Theo lệ thường, ở lãnh địa, trẻ con có đọc Luận ngữ hay Đại học, nhưng
không ai khuyến khích chúng cả. Ở đó, không có đứa trẻ nào lại thích đọc
sách. Chắc không chỉ có tôi là ghét sách vở. Trẻ con trên đời này đều không
thích. Tôi lại ghét cay, ghét đắng nên toàn nghỉ ở nhà, không làm gì. Không
học viết chữ và cũng không đọc sách. Cứ như thế cho đến năm 14 hay 15
tuổi gì đó tôi mới bắt đầu cảm thấy xấu hổ vì người mà tôi biết ở gần đó đã
đọc tinh thông mọi thứ sách vở, chỉ có tôi vẫn chưa đọc được gì cả.
Văn tài thiên bẩm
Sau đó, tự tôi bắt đầu cảm thấy thích đọc sách thực sự và xin vào trường tư
thục ở làng. 14, 15 tuổi mới bắt đầu học, nên rất xấu hổ. Người khác đã học
đến Kinh Thư hay các tác phẩm kinh điển Nho gia khác, còn tôi thì mới chỉ
ngồi tập đọc Mạnh Tử. Nhưng có một điều kỳ lạ là khi tổ chức hội giảng về
Mạnh Tử, Mông Cầu hay sách Luận ngữ thì dường như tôi có chút năng
khiếu thiên bẩm, có thể giải nghĩa một cách mạch lạc. So với thầy dạy đọc
buổi sáng, tôi có thể vượt thầy nếu buổi chiều có hội giảng nghĩa về bài đó.
Đơn giản là thầy chỉ đọc được chữ, nhưng không nắm bắt được ngữ nghĩa,
nên không thể là đối thủ tranh phần thắng bại với tôi.
Đọc thông mười một lần cuốn Tả truyện