Hồi đó, tôi chuyển trường hai, ba lần, nhưng người dạy tôi học Hán văn
nhiều nhất là thầy Shira'ishi (Bạch-Thạch) . Chỉ trong bốn, năm năm học
đọc sách chữ Hán, tôi đã có thể dễ dàng giải nghĩa và tiến bộ nhanh đến
không ngờ. Khi học ở trường của thầy Shira'ishi, tôi chỉ đọc toàn sách kinh
điển Nho gia như Tứ thư, Ngũ kinh. Sách Luận ngữ, Mạnh Tử thì tất nhiên
rồi! Ngoài ra, tôi còn chú tâm nghiên cứu tất cả kinh sách trong bộ Tứ thư,
Ngũ kinh. Thấy tôi ham học, thầy dạy cho cả Kinh thư nữa. Hơn thế còn
thường được nghe thầy giảng về Mông Cầu, Thế thuyết, Tả truyện, Chiến
quốc sách, Lão Tử, Trang Tử.
Sau đó, tôi còn tự học một mình. Sách về lịch sử, tôi đọc những cuốn như
Sử ký, Tiền hậu Hán thư, Tấn Thư, Ngũ đại sử, Nguyên Minh sử lược...
Trong số đó, đặc biệt tôi đọc thông thạo Tả truyện. Các học trò khác chỉ
đọc được ba, bốn quyển trong số 15 quyển, nhưng tôi đọc thông hết cả bộ,
thậm chí đã đọc đi đọc lại đến 11 lần và thuộc lòng những đoạn cho là hay.
Như thế, đại khái tôi có thể được liệt vào hàng những Nho sinh khá giỏi.
Tuy nhiên, học phái mà tôi theo khi đó là phái Kame'i (Quy-Tỉnh) , vì thầy
tôi là “tín đồ” của ông Kame'i, nên thầy không dạy tôi làm thơ và còn cười
nhạo các học phái chuyên việc thi phú khác. Có lần ông bảo tôi: “Hirose
Tansō (Quảng-Lại Đạm-Song) thơ thì không biết đặt đề, chữ thì không viết
nổi một chữ Hán, chỉ là người viết được một, hai câu đầu hay làm thơ
Haikai (Bài-Giai) mà thôi, chứ chẳng thể làm nên trò trống gì!”. Bây giờ,
tôi nghĩ: Thầy nói sao học trò răm rắp nghe theo y như thế, quả thực là điều
buồn cười. Không chỉ với thầy Hirose Tansō, mà cả với Rai San'yō (Lại
Sơn-Dương) tôi cũng không tin tưởng và đánh giá không ra gì. Lúc đó tôi
nghĩ: “Văn chương gì mà thô thiển đến thế là cùng. Viết như Rai San'yō,
mà gọi là văn chương thì chẳng có ai mà không viết được! Cũng như người
ngắn lưỡi, có ngọng líu lo thì cố nghe người ta cũng hiểu được”. Đại khái là
tôi đã có thái độ cực đoan đến như vậy là vì đã được học từ thầy dạy.