Tôi không tôn thờ Hán học và không đặt Hán học ở vị trí quan trọng. Hơn
thế, từ lúc còn trẻ, tôi đã có tâm huyết muốn loại bỏ hết những học thuyết
thủ cựu hủ nho. Việc các thông dịch viên hay những nhà Tây phương học
phê phán các nhà Hán học là chuyện bình thường, không hại gì cả. Nhưng
tôi lại là người đọc khá nhiều sách Hán học. Tôi đọc, nhưng luôn tỏ ra
không biết để những lúc cần thiết lại cho ra những phê phán thâm sâu. Điều
này đã làm cho các nhà Nho thời đó không thể không hận tôi được.
Với mọi người, tôi luôn thật lòng, nhưng với các nhà Nho thì khác. Tôi có
biết các điển tích, điển cố mà các nhà Nho thường dùng vì như tôi đã nói,
từ thuở nhỏ tôi đã theo học các sách vở kinh điển khó từ những người thầy
nghiêm khắc. Những cuốn như Xuân thu tả thị truyện, Quốc ngữ, Sử ký,
Hán thư thì tất nhiên là tôi đã đọc. Ngoài ra, còn học tứ thư ngũ kinh như
Kinh Thi, Kinh Thư... Cả những cuốn rất thú vị của Lão Tử, Trang Tử tôi
cũng đều đã được nghe thầy giảng hoặc tự mình nghiên cứu. Đó là nhờ
công dạy dỗ của thầy Shira'ishi , một danh Nho của Nakatsu.
Mặc dù thông hiểu những sách kinh sử như vậy, nhưng tôi luôn tỏ ra không
biết và khi có dịp thì nắm ngay những điểm yếu của Hán học để tấn công
không thương tiếc, cả bằng lời nói và trên sách vở. Chuyện đó người ta gọi
là “nuôi ong tay áo”, mà đối với các nhà Nho thì tôi là kẻ ngoại đạo xấu
xa.
Việc tôi lấy Nho giáo làm kẻ đối địch của mình đến mức như vậy, vì theo
tôi, trong thời đại mở cửa mà để tư tưởng thủ cựu của Nho giáo đọng vào
trong trí não lớp hậu thế, thì tư tưởng văn minh của phương Tây sẽ rất khó
vào được Nhật Bản. Tôi nỗ lực hết sức để cứu lớp trẻ, để đưa họ đến với
nền học thuật mà tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào đó. Thực tâm tôi đã chuẩn
bị tinh thần tập hợp tất cả các nhà Nho đến để một mình đối đầu với họ.
Nhìn vào tình hình chính phủ và xã hội bên ngoài, nói chung, việc giáo dục
văn minh đã được truyền bá khá rộng rãi, nhưng những người từ trung niên
trở lên lại không thể bước vào địa hạt của Tây phương học được. Khi làm