Nhưng có vẻ như đó là điều không hề nghĩ tới, nên ông bảo: “Cậu đem trả
tiền làm tôi khó nghĩ quá. Chuyện xưa cũ rồi, không cần phải áy náy gì cả!”
và một mực từ chối. Còn tôi, vì nghe theo lời mẹ, nên nhất định phải trao
được tận tay ông làm đôi bên giằng co như sắp cãi nhau. Cuối cùng, tôi cứ
để đấy mà đi về.
Cho đến nay đã năm mươi hai, năm mươi ba năm trôi qua, chuyện đã thành
xưa cũ mà tôi vẫn nhớ như in lời mẹ dặn và nhớ cả ông Ōsakaya. Tôi
không nhớ chính xác ngày, tháng, năm nhưng đó là vào buổi sáng. Tôi đi
đến nhà ông Ōsakaya Gorobei ở góc phía Tây Nam, trên con đường gọi là
Shimo shōji (Hạ-tiểu-lộ) của lãnh địa Nakatsu, vùng Buzen và đã trao tiền
cho em trai của ông là ông Ōsakaya Genshichi (Đại-Phản-Ốc Nguyên-
Thất), vì ông Gorobei vắng nhà. Chuyện đó đã đọng lại trong trí óc tôi từ
thuở nhỏ, nên riêng về chuyện tiền bạc tôi không thể làm điều xấu được.
Không có tiền thì đợi đến khi có mới tiêu
Sau đó, tôi dần trưởng thành lên. Khi còn ở Nakatsu, bên cạnh việc theo
Hán học, tôi có làm phụ giúp gia đình như những việc ruộng vườn, giã gạo,
thổi cơm, không nề hà việc gì. Tôi sinh ra trong một gia đình võ sĩ hạng
thấp và nghèo. Đến năm 21 tuổi, lần đầu tiên ra khỏi nhà và đi Nagasaki,
lúc đó tất nhiên không có tiền để đóng học phí. Khi thì tôi làm công việc
trông chùa, lúc lại được ăn nhờ ở đậu nhà thầy dạy súng thuật và cố gắng
học Hà Lan học trong hoàn cảnh thiếu thốn. Sau này lên Ōsaka, đến học
trường của thầy Ogata thì vẫn như trước, tiền vẫn là thứ đáng lo, nhưng tôi
chưa vay ai bao giờ.
Tôi hiểu rõ một điều rằng, vay tiền của người khác đương nhiên sẽ đến lúc
phải trả. Nếu quả thực có lúc trả được thì chi bằng chuẩn bị tinh thần đợi
đến khi có tiền mới tiêu, chứ không vay nữa. Bởi vậy, 2 Shu hay 2 Bu thì
không nói, đến cả 100 Mon tiền lẻ, tôi cũng không vay mà quyết đợi cho
đến khi nào mình có tiền. Tôi cũng không đem đi cầm đồ bao giờ. Áo quần
thì cả khi học ở trường Ogata, mẹ tôi cũng đều gửi đồ mùa đông, mùa hè