Họ không chỉ cho rằng, di nghiệp ba trăm năm của Tōshōshinkun (Đông-
Chiếu-Thần-Quân) không thể bị ném đi một sớm một chiều. Với tư cách là
một thần tử, không được quên ơn nghĩa đối với chủ tướng trong suốt ba
trăm năm. Lực lượng của Satsuma và Chōshū chỉ là những võ sĩ hàng phục
trong trận Sekigahara , còn tám vạn bộ hạ kỵ binh hùng dũng của Mikawa
(Tam-Hà) có danh dự, chứ sao lại phải gập gối trước những võ sĩ đã từng
hàng phục đó? Với khí thế hừng hực, có người còn định đón đánh quân
phản tặc Satsuma và Chōshū ở Hokkaidō, lại cũng có người đào tẩu bằng
quân hạm. Còn những sách sĩ, luận khách thì vào yết kiến Tướng quân và
thúc giục tuyên chiến. Can gián xong, họ lại gào rống lên làm tình hình
càng rối tung.
Đó là Hội cùng tiến của những trung thần, nghĩa sĩ, nhưng họ cũng không
thực hiện được lý tưởng trung nghĩa đó, mà cuối cùng Mạc phủ bị giải tán,
có những người lên quân hạm đến ở vùng Hakodate, có người lại chỉ huy
bộ binh chiến đấu ở vùng Đông Bắc. Ngoài ra, còn có những người giận
đùng đùng mà đi về vùng Shizuoka. Trong số đó, những người mang lòng
trung nghĩa sâu sắc, gọi Tōkyō là “tặc địa", những thứ được làm ở Tōkyō
như bánh kẹo cũng không ăn, đêm nằm ngủ không hướng đầu về phía
Tōkyō, nói đến chuyện Tōkyō thì ô uế miệng, mà nghe chuyện Tōkyō thì ô
uế tai. Họ là những Bá Di, Thúc Tề hiện đại, còn Shizuoka là Thủ Dương
Sơn, quả là ghê gớm!
Nhưng chỉ một hai năm sau đó, không hiểu có phải các ngài Bá Di, Thúc
Tề đó cảm thấy được hết sự thiếu thốn warabi ở Thủ Dương Sơn hay
không mà họ lục tục kéo xuống chân núi, không chỉ thò đầu xuống vùng
“tặc địa” mà còn lộ nguyên hình ra đầu quân cho chính phủ mới. Cả những
kẻ đã đào tẩu trong hải quân, cả những Bá Di, Thúc Tề, tất thảy đều tụ tập
lại quanh chính phủ, xin yết kiến những vị quan chức, mà trước đây họ cho
là những kẻ phản nghịch. Họ không nói là lần đầu tiên được diện kiến mà
bảo mình cũng là những thần dân của Nhật Bản, đã từng biết nhau từ trước
kia. Là quân tử không nhắc lại những điều đã qua, tiền ngôn, tiền hành chỉ