Nhưng thẳng thắn mà nghĩ thì việc tôi bị những chính trị gia nghi ngờ cũng
không phải hoàn toàn là vô lý. Thứ nhất, dù thế nào tôi cũng không có ý trở
thành viên chức chính phủ. Đó là điều ít có trong thiên hạ. Khi mà người ta
ào ào đổ đi làm quan, thì chỉ mình tôi là ghét làm việc đó. Chỉ nhìn một
chút đã thấy có điều đáng ngờ.
Như thế, nếu không muốn làm quan thì bó gối ở quê cho xong. Thế mà tôi
lại sống ở giữa thành phố và giao thiệp với nhiều người. Miệng nói cũng
giỏi mà ngòi bút cũng tài, ăn nói, viết lách ào ào, nên dễ chạm vào ánh mắt
của người đời. Bởi vậy, việc người ta đem lòng nghi ngờ cũng là lẽ tự
nhiên.
Luận thuyết một chiều mà cũng lay động nhân tâm
Đó mới chỉ là một. Còn một sự thật nữa là bằng những luận thuyết có lẽ tôi
cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến nền chính trị, xã hội Nhật Bản. Chẳng hạn,
có chuyện thú vị mà không ai biết. Năm Minh Trị thứ mười (1877), sau khi
Chiến tranh Tây Nam đã được giải quyết xong, xã hội yên ắng trở lại thì
người ta lại chán với cảnh an bình. Khi đó, tôi chợt nghĩ, nếu mình lý luận
các vấn đề về quốc hội, thế nào cũng có người hưởng ứng, chắc sẽ rất thú
vị. Và tôi đã khởi xướng lên lý luận này.
Lúc đó tờ Jiji shimpō (Thời-sự tân-báo) vẫn chưa được xuất bản, nên tôi
đưa bản thảo cho chủ bút tờ Hōchi shimbun (Báo-tri tân-văn) là cậu Fujita
Mokichi (Đằng-Điền Mậu-Cát) và Mino'ura Katsundo (Ky-Phổ Thắng-
Nhân) . Tôi bảo: “Nếu luận thuyết này có thể đưa ra làm xã luận cho báo
thì hãy đăng hộ tôi. Chắc chắn mọi người sẽ mừng. Chỉ có điều, để nguyên
bản thảo như thế mà in, dễ lộ giọng văn và người ta sẽ hiểu ngay là của
Fukuzawa. Thế nên, nội dung câu văn, tất nhiên là câu chữ cũng phải theo
bản thảo, chỉ có những chỗ không ảnh hưởng đến ý nghĩa, các cậu cứ sửa
theo ý của mình và thử cho đăng đi. Để xem thiên hạ đón nhận như thế
nào? Đó chẳng phải là điều thú vị sao?".