bài báo thì cậu ta nhớ rất rõ. Sau đó, cậu ta còn cho tôi mượn số báo Hōchi
shimbun cũ. Tôi xem bên trong thấy bài được đăng từ ngày 29 tháng 7 năm
Minh Trị thứ 12 (1879-ND) đến khoảng ngày mùng 10 tháng 8 cùng năm,
còn nguyên vẹn từ đầu đến cuối. Nghĩ đó là một yếu tố thúc đẩy việc thiết
lập quốc hội thì bản thân tôi cũng thấy thú vị.
Làm cho nước Nhật trở nên giàu mạnh là bản nguyện của tôi
Thử nghĩ lại, thấy trong cuộc tao động năm Minh Trị thứ mười bốn,
Fukuzawa đã bị cho là có liên quan đến chính trị. Mặc dù sau đó cũng bị
nhiều người để mắt tới, nghi ngờ điều này điều nọ và tôi vẫn cam đoan
mình nhớ là không có sự liên quan trực tiếp nào. Nhưng gián tiếp thì những
nguyên nhân đó không phải không từ bản thân tôi mà ra. Việc thiết lập
quốc hội, tiến hành cải cách theo hướng tiến bộ sẽ có lợi cho đất nước thì
được, nhưng nếu trên thực tế điều đó không có lợi và dù kiếp này tôi có
được tha tội, thì có lẽ sau khi chết đi sẽ gặp điều chẳng lành dưới phủ của
Diêm Vương.
Không chỉ một việc trên báo Hōchi shimbun, mà về chính trị, mọi hành
động, lời nói của tôi đều theo cách như thế, không có gì lợi hại đến bản
thân tôi, nghĩa là tôi chỉ làm với suy nghĩ của một bác sĩ chuyên khám
bệnh, chứ không có ý định chiếm một vị trí trong chính phủ, nắm chính
quyền và trị thiên hạ. Tuy nhiên, dù thế nào tôi cũng muốn đưa toàn thể
quốc dân vào cổng của tòa nhà khai hóa văn minh, biến nước Nhật trở
thành một cường quốc có binh lực mạnh mẽ và kinh tế phồn vinh. Đó chính
là bản nguyện lớn nhất của tôi và chỉ một mình âm thầm thực hiện.
Nói là tôi giao thiệp với những người trong chính giới, nhưng gặp gỡ ai đối
với tôi cũng không quan trọng gì. Tôi không hề nhờ vả ai việc riêng và
cũng không bàn bạc. Giàu hay nghèo, sướng hay khổ cũng một mình suy
nghĩ và sống bình thản, nên những quan chức của chính phủ, những người
có cách nghĩ khác, khi nhìn hay nghe kể về nếp sống của tôi, sẽ cho là kỳ
quặc. Âu đó cũng không phải là điều vô lý.