Cần nói thêm rằng cha tôi vốn là một người theo nghiệp đèn sách. Tất
nhiên là ông theo Hán học. Khi ở Ōsaka, công việc của cha tôi là tiếp xúc
với những gia đình giàu có ở Ōsaka như Kazimaya (Gia-Đảo-Ốc), Kō-no-
ike (Công-Trì) để thỏa hiệp về các khoản nợ, nhưng ông không hề thích
thú chút nào. Ông muốn trở thành một trí thức chuyên việc đèn sách, hơn là
làm việc tiếp xúc với tiền bạc. Vậy mà không ngờ lại phải cầm lấy bàn tính,
đếm tiền hay thỏa hiệp xin hoãn các khoản nợ. Trí thức thời xưa khác xa trí
thức Tây học thời nay. Thời xưa, một trí thức thuần khiết là người chỉ nhìn
tiền bạc đã thấy đó là điều dơ bẩn. Một người như vậy mà phải làm công
việc hoàn toàn trần tục, thì chuyện có tỏ ra bất bình cũng không phải là
không có lý. Bởi vậy, khi dạy dỗ con cái, ông cũng theo những giáo điều
Nho học. Tôi xin đơn cử một chuyện thế này.
Hồi đó, tôi vẫn còn nhỏ, chưa thể nói đến chuyện học chữ nghĩa gì được,
nhưng anh trai mười tuổi và chị gái lên bảy, lên tám của tôi thì đã có thầy
chuyên dạy viết chữ đến nhà kèm cặp. Cả trẻ con hàng phố cũng đến học
cùng. Thầy dạy chữ I, ro, ha, ni, ho, he, to thì được, nhưng vì là Ōsaka nên
thầy dạy luôn cả phép tính nhân như 2 nhân 2 bằng 4, 2 nhân 3 bằng 6. Đó
là chuyện đương nhiên, nhưng thấy thế cha tôi bảo: “Thầy dạy những điều
không ra sao cả! Lại dạy trẻ cả thói tính toán con buôn thì tôi không thể
tưởng tượng được! Tôi xin cho các con thôi học!”. Cha tôi nói rồi lôi anh
chị tôi đi ra khỏi lớp.
Sau này, tôi được biết chuyện đó qua lời kể của mẹ. Qua đó, có thể hình
dung cha tôi là một người nghiêm khắc trong mọi chuyện. Chỉ xem những
ghi chép còn lại cũng có thể thấy cha tôi là một người thuần Nho. Sinh thời,
ông rất tin tưởng thầy Itō Tōgai (Y-Đằng Đông-Nhai) của vùng Horikawa
(Quật-Hà) và tâm đắc với câu: “Sống phải thành tâm thành ý, giữ mình ở cả
những nơi không ai để mắt tới, không làm gì để phải xấu hổ”. Câu nói đó
đã trở thành gia phong của gia đình tôi.