- Vâng, thì ngài cứ đi mà tin nó nói. Còn tôi thì không đời nào tôi lại tin cái
đồ quạ mổ ấy.
- Chà! Mình ông không tin thì cũng chưa đủ, - viên ký hiệu buôn nói.
- Chính cô ta là chiếc chìa khoá!
- Cái đó thì đã sao? - Nhà thương gia hỏi vặn lại.
- Thế còn chiếc nhẫn?
- Thì cô ta chẳng đã khai rồi đấy thôi, - nhà thương gia lại kêu lên. - ông lái
nầy là tay hào phóng; vả lại rượu vào hơi say, có lỡ đánh cô ta. Sau đó hắn
lại thấy thương: "Thôi cầm lấy nầy đừng khóc nữa". Phải nhớ ông ta là một
người thế nào, cao hai "arsin", mười hai "versok", nặng tám pud(1).
- Vấn đề không phải ở đấy - Piotr Geraximovich ngắt lời - Điều thiết yếu là
phải xét có phải cô ta thủ mưu và phạm tội không hay là bọn "bồi".
- Một mình bọn "bồi" không làm gì nổi! Chia khoá cô ta giữ kia mà.
Cuộc bàn cãi cứ tiếp diễn như thế khá lâu, chẳng có mạch lạc gì cả.
- Xin phép các ngài, - trưởng đoàn bồi thẩm nói, - xin mời các ngài ngồi
vào bàn để chúng ta thảo luận. Nói xong, ông ta ngồi vào ghế chủ toạ.
- Cái bọn gái nhà thổ, sao mà dơ dáy thế! - Viên ký hiệu buôn nói.
Và để chứng minh ý kiến của mình cho Maxlova là thủ phạm chính, ông ta
kể chuyện, có một hôm, một cô gái điếm đã ăn cắp chiếc đồng hồ quả quít
của người bạn đồng nghiệp ông ta ngoài phố. Viên đại tá thuật tiếp một
trường hợp còn ly kỳ hơn nhiều: ăn cắp cả một chiếc ấm xamovar bằng bạc.
- Thôi! Xin các ngài đi vào câu hỏi cho! - Trưởng đoàn vừa nói vừa lấy bút
chì gõ xuống bàn.
Mọi người im lặng. Các câu hỏi đặt ra như sau:
l. Tên Ximon Petrovich Kactinkin, nông dân, quán làng Borki quận
Krapivino, ba mươi ba tuổi, có phải là thủ phạm đã cho thuốc độc vào rượu
cognac ngày 17 tháng giêng năm 188… ở thành phố N…, với ý định sát hại
người lải buôn Xmienkov nhằm mục đích cùng đồng loã đánh cắp tiền của
người ấy do đó đã làm Xmienkov chết, và sau đó đã đoạt số tiền vào
khoảng hai nghìn năm trăm rúpvà một chiếc nhẫn kim cương không?
2. Thị Efimia Boskova, dân nghèo thành thị, bốn mươi ba tuổi, có phải là
thủ phạm tội ác nói trong câu hỏi thứ nhất không?