ngập ngừng kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Sự việc đã rõ như ban ngày, nhưng cũng giống như hôm qua, phó chưởng
lý lại nhún vai, đề ra những câu hỏi cực kỳ tế nhị, nhằm đưa tội phạm xảo
quyệt kia vào tròng.
Trong lời buộc tội, hắn chứng minh rằng vụ trộm nầy diễn ra có phá phách
và tại nhà có người ở. Vì thế cần trừng trị gã thanh niên nầy thật nặng.
Trạng sư bào chữa do toà cử ra cãi rằng vụ trộm nầy không xảy ra tại nhà
có người ở, vì thế mặc dù tội đã rõ, bị can không đến nỗi nguy hiểm cho xã
hội như ông phó chưởng lý quyết đoán.
Cũng lại như hôm qua, lão chánh án làm ra vẻ vô tư và công bằng. Lão
giảng giải tỉ mỉ và dặn dò các bồi thẩm những điều mà họ đã biết hoặc
không thể không biết.
Rồi lại cũng nghỉ giải lao như hôm qua, cũng hút thuốc, cũng viên mõ toà
hô to "Toà thăng đường" và cũng hai tên hiến binh như hôm qua, cố gắng
không ngủ gật, ngồi cầm gươm tuốt trẩn (đe doạ tội nhân).
Qua hồ sơ thấy rõ anh thanh niên kia được bố xin cho vào làm chân sai vặt
ở một xưởng thuốc lá và anh ta đã sống ở đó năm năm. Năm nay, sau một
vụ rắc rối xảy ra giữa chủ với thợ, anh bị đuổi. Mất việc, anh lang thang
khắp thành phố, có đồng nào uống rượu sạch. Ở quán rượu, anh đánh bạn
với một người thợ nguội cũng thất nghiệp như anh, mà còn thất nghiệp
trước nữa lâu hơn, và cũng hay say rượu. Một đêm hai người say khướt, bẻ
khoá nhà người ta vào vớ được cái gì thì lấy cái ấy. Cả hai bị bắt và đã thú
nhận tất cả. Bị nhốt vào ngục, anh thợ nguội chết trong khi chờ ra toà. Còn
anh nầy hiện đang bị toà xét xử và bị coi như một kẻ nguy hiểm cần phải
trừ đi cho xã hội.
Nghe tất cả những điều đó, Nekhliudov nghĩ: Cũng nguy hiểm như nữ tội
nhân hôm qua. Họ nguy hiểm, còn chúng ta thì không nguy hiểm ư? Như
ta, một kẻ dâm dật, truỵ lạc, một tên lừa bịp, thế mà tất cả những ai biết ta,
thấy ta như thế nầy, không những không khinh bỉ mà còn kính trọng ta nữa?
Nhưng dù trong số những người có mặt trong gian phòng nầy, gã thanh
niên kia có là kẻ nguy hiểm nhất cho xã hội đi nữa, thì theo lương tri, ta
phải làm gì khi đã bắt được anh ta?