phúc riêng của mình nó sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của tất cả mọi người
khác trên đời. Trong giai đoạn vị kỷ điên loạn đó, - do cuộc sống ở
Petersburg và cuộc đời quân nhân đem lại, - thì thằng người thú vật đã toàn
thắng và bóp nghẹt con người tinh thần. Song khi gặp lại Katiusa và những
cảm tình trong sáng xưa đối với nàng đã bừng dậy thì con người tinh thần
trong chàng lại trỗi dậy và đòi quyền sống. Và một cuộc đấu tranh dai dẳng
diễn ra trong tâm khảm chàng suốt hai ngày trước lễ Phục sinh, một cuộc
đấu tranh mà chính chàng cũng không nhận thức được.
Trong thâm tâm, Nekhliuzov cũng biết đi là phải, nấn ná ở lại là vô lý; ở lại
sẽ đưa đến những hậu quả chẳng tốt lành gì, song vì ham khoái lại, mải vui
thú, chàng dập tắt tiếng nói của lương tâm và ở lại.
Chiều thứ bẩy trước hôm lễ Phục sinh, linh mục cùng thầy chấp sự và viên
phụ lễ đến làm lễ cầu sớm: họ thuật lại nỗi vất vả dọc đường: xe trượt tuyết
phải băng qua những vũng lầy trong suốt ba dặm từ nhà thờ đến đây.
Nekhliuzov dự suốt buổi lễ cùng với hai cô và tất cả gia nhân. Chàng say
sưa nhìn Katiusa đứng kề gần cửa, bưng chiếc lư hương cho linh mục. Sau
khi ôm hôn linh mục và hai cô ba lần theo tục cổ truyền chàng đã định đi
ngủ thì nghe thấy ngoài hành lang bà Matrena Paplova người hầu phòng già
của bà Maria Ivanova rục rịch sửa soạn cùng Katiusa đi nhà thờ dự lễ phát
bánh thánh.
Chàng bèn nghĩ bụng: "Thế thì ta cũng đi".
Đường xá quá xấu đến nỗi không thể đi đến nhà thờ bằng xe ngựa hay xe
trượt tuyết được. Vì thế Nekhliuzov, tự nhiên như ở nhà mình, sai đóng yên
con ngựa già vẫn gọi là con Bratseva; chàng không lên giường đi ngủ mà
lại diện bộ quân phục choáng lộn, khoác chiếc áo trùm sĩ quan, rồi cưỡi con
ngựa già béo, nặng nề, luôn luôn hí ẩm ĩ trong đêm tối, chàng băng qua bùn
tuyết, đến nhà thờ.