Toà bắt đầu hỏi nhân chứng: họ tên tôn giáo v.v… và khi toà hỏi họ có
muốn tuyên thệ hay không thì lại thấy ông linh mục già xuất hiện, nặng nề
kéo lê hai chân; ông ta một lần nữa sửa cho ngay ngắn chiếc thánh giá vàng
đeo trước ngực, bên ngoài tấm áo lụa; ông làm tuyên thệ cho các nhân
chứng và viên giám định, vẫn có cái vẻ bình thản, tin tưởng mình đang
hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và hữu ích. Xong nghi thức
nầy, toà cho các nhân chứng ra ngoài, trừ một mình mụ Kitaieva là mụ chủ
nhà chứa ở lại. Toà yêu cầu mụ kể tất cả những điều mụ biết về vụ đầu độc
y. Miệng mỉm cười kiểu cách, cứ mỗi câu lại gật cái đầu đội mũ rộng vành
xuống, tiếng nói đặc giọng Đức, trình bày cặn kẽ, mạch lạc.
- Thoạt đầu, người bồi của khách sạn là Ximon đến nhà mụ tìm một cô để
đưa về cho một ông lái buôn giàu sụ, người Siberi. Mụ cho ái nương đi.
Được một lúc, cô nầy trở về với người lái buôn. Lúc nầy, ông khách đã
chuếnh choáng say, - mụ Kitaieva nhếch một nụ cười, nói thêm. - ông ta lại
tiếp tục uống rượu và thết chị em; nhưng vì trong túi không còn tiền, ông ta
bèn sai chính cô ái nương nầy là người ông ta vừa ý nhất về phòng trọ lấy
tiền, - mụ nói và đưa mắt về phía Maxlova.
Nekhliudov như thấy Maxlova mỉm cười khi nghe mụ nói đến đó, chàng
thấy nụ cười đó thật là bỉ ổi. Một cảm giác kỳ dị, mơ hồ, vừa kinh tởm lại
vừa xót thương trào lên trong lòng Nekhliudov.
- Nhân chứng có thể cho tôi biết ý kiến riêng về Maxlova không? - Người
trạng sư tập sự được toà án chỉ định bào chữa cho Maxlova dụt dè, đỏ mặt
hỏi.
- Cô ấy thì tuyệt đấy, - mụ Kitaieva trả lời. - Có giáo dục và rất lịch sự. Cô
ấy đã được nuôi dạy trong một gia đình nền nếp, tiếng Pháp cũng đọc được.
Cũng có đôi lần cô ấy hơi quá chén, nhưng chưa bao giờ say đến mất trí cả.
Thật là một cô gái rất tuyệt!
Katiusa từ nãy vẫn chăm chú nhìn mụ chủ, bỗng đưa mắt nhìn sang các bồi
thẩm và khi nhìn đến Nekhliudov thì ngừng lại, vẻ mặt trở nên cứng rắn,
nghiêm nghị.
Con mắt hiêng hiếng nhìn nghiêm khắc. Cặp mắt có vẻ nhìn kỳ lạ đó chăm
chú hướng vào Nekhliudov một lúc lâu; và tuy sợ chàng vẫn không sao rời