nghe nỗi nhớ bạn, nhớ thầy, nhớ ngôi trường đổ mà chưa một lần Nhan
dám đến vì sợ ma. Nhan biết là tụi nó sẽ khóc, khóc thương mấy đứa bạn
đã chết, thương cô giáo lớp tư hiền lành đã bỏ mình, rồi cả bọn rủ nhau đi
đắp mả, nhổ cỏ, đem xôi chuối đến cúng thầy cúng bạn. Những ngày cô
đơn qua đã dấy trong lòng Nhan bao cảm nghĩ, bao tưởng tượng về cái
ngày họp mặt đó.
Nhưng không phải dân làng về mà là những người khác, xa lạ. Tuy vậy,
một thoáng, Nhan không còn có cái cảm giác cô đơn, sợ hãi như trước nữa.
Ðã có người. Và không phải một mình Nhan, mà tất cả mọi người có mặt
đều chung tâm trạng. Một chút hân hoan, tin tưởng dấy lên từ những kẻ
sống heo hút bao ngày qua.
- Ðể đến sáng mai, ban ngày ban mặt mình ra đó đi. Ðể tui rủ vợ chồng lão
Kiên. Bác Sáu có đi không bác ? Chị Tư thì chắc ở nhà rồi. Chị đừng lo,
bao giờ thằng Nhỉ nó về là nó kiếm chị liền. Nó tới tận nhà chứ bộ đợi chị
tìm nó sao mà chị lo.
Ông già căn dặn Nhan :
- Con Nhan đâu. Thằng Lời nữa. Giờ tới chiều đừng có ra lạch nghe. Trời
chập choạng tối mệt lắm đó. Ở nhà, chiều luộc khoai ăn đỡ.
Lão Cả Bửng không về nhà mình nữa. Cả xóm biết tin mau chóng ; năm gia
đình gồm có 9 người tập trung tại nhà Nhan. Ngôi nhà đông chật, rộn rịp
hẳn lên. Ai nấy đều bồn chồn nửa muốn ra khỏi nhà, nửa ngại ngùng sợ hãi.
Bà Tư Kiên ngóng mãi về phía có lính đóng. Ðôi mắt già hom hem như
muốn thấu qua bóng chiều đang dần xuống. Ráng vàng tươi nhuộm đỏ mấy
đám mây trôi trên nền trời loãng màu sữa. Mấy ngọn cây cũng run run hồi
hộp đợi chờ. Thằng Lời đang ngồi chồm hổm ở chẽ cây ổi già bỗng la lên :
- Có khói đỏ, khói xanh, khói vàng.
Bà Tư què chép miệng :
- Chắc họ nấu cơm.
- Nấu cơm gì bằng khói đó.
Ngọn khói tỏa lây lất trông đẹp đẽ. Ít ra khói màu làm yên tâm đám người
chất phác nầy hơn là những cột khói đen kịt mà họ đã chứng kiến qua lần
giao tranh tàn phá làng họ.