Mọi người ngồi vậy lâu lắm. Lão Hai Kiên đứng dậy trước hết. Giọng nói
của lão xem chừng như sốt ruột, không chờ đợi được.
- Kệ nó, có ra sao thì ra, ngả lưng một chút đã.
Nhan hé cánh liếp che cửa sổ. Mấy trái hỏa châu lừ đừ hắt ánh sáng rỡ
chiếu vàng những khuôn mặt ngơ ngác bàng hoàng.
Bỗng nhiên, bà Tư què bật khóc nức nở, lúc đầu bà còn rấm rức, sau không
nghe ai than phiền bà càng khóc lớn. Nhan cau mày bịt hai lỗ tai lại, nhưng
những người già thì không nói gì cả, ít ra tiếng khóc của bà Tư cũng phá
tan được sự im lìm ghê rợn bao phủ chung quanh. Những cái lo trôi đi
nhường chỗ cho lòng ái ngại theo lời than thở nhớ con, trách dâu của bà
Tư. Lão Cả Bửng cất giọng :
- Thôi chị Tư bớt buồn đi, chuyện đâu còn có đó mà, lo lắng rồi cũng một
kiếp người.
Ông già tía Nhan cũng phụ họa :
- Ðúng đó chị Tư à. Thế nào rồi thằng Nhỉ nó cũng tìm chị mà, tui biết tính
nó từ hồi nhỏ xíu. Cái thằng nhơn hậu lắm chứ đâu phải thứ vong ơn bội
nghĩa đâu mà chị lo. Ðường xa cách trở, thời buổi chinh chiến, lộn xộn đến
bà con gần gũi cũng chưa qua lại nữa là…
Bà Hai Kiên lại gần bà Tư rủ rỉ :
- Mình già rồi, còn sống bao lăm nữa mà buồn. Bề gì cũng có bà con hàng
xóm đây. Chị cứ huởn huởn.
Bà Tư hết khóc. Câu chuyện trở về những ngày xưa, thuở ngôi làng còn trù
phú đông người, từng nhà, từng công đất, từng cái giếng, mỗi một biến
động nhỏ trong khu xóm được kể lại. Dĩ vãng như che mờ cả hiện tại và
gian nhà như ấm cúng lại. Thằng Lời đã ngủ quên từ lúc nào. Tiếng ngáy
của nó nhẹ nhàng đều đặn. Nhan cũng ngả lưng xuống lần chiếu trải cạnh
em. Ðầu óc Nhan không nhớ đến quãng thời còn nhỏ, câu chuyện của
những người già không ăn nhập gì đến tâm trí Nhan bây giờ. Chỉ có sự hiện
diện của họ làm Nhan thấy dễ chịu, bớt lạnh lẽo cô độc như những đêm chỉ
có ba cha con nằm nghe tiếng ễnh ương kêu, tiếng gió thổi quanh nhà.
Nhưng cũng vì vậy mà Nhan lại nghĩ ngợi lan man nhiều hơn. Tâm hồn
Nhan lơ lửng ở một trạng thái khác biệt lạ lùng, nửa lo âu, nửa nôn nao.