giờ may ra, cũng gần yên rồi. Cháu có bạn, có đôi. Khi nào bà con cô bác
về đông đủ mình tính chuyện cũng vừa. Bác thấy anh Sáu ảnh cũng vui đó
cháu.
Nhan nhìn bác Cả Bửng cảm động. Vậy mà chị Nhỉ chỉ ghét bác ấy ghê.
Riêng Nhan, Nhan thấy bác ấy thiệt tốt.
- Tụi con mới quen nhau sơ sơ vậy mà bác.
- Ừa, thì bác nói cho con đề phòng vậy mà. Chuyện trăm năm là chuyện
của ông tơ bà nguyệt. Chuyện tình cờ không nói trước được.
Nhan đánh trống lảng sang chuyện khác :
- Bác Cả à, sao lâu quá rồi hổng thấy xe lửa chạy qua chạy lại đây như ngày
xưa bác hả ? Yên rồi thì có xe chớ.
Bác Cả vòng tay ôm gối. Mắt bác xa xôi :
- Xe lửa hay xe gì cũng không cần. Hễ dân làng mà trở về là vui lắm rồi.
Nhan cười :
- Bác thì khi nào cũng nghĩ đến chuyện dân làng trở về.
Bác Cả trừng mắt nhìn Nhan :
- Bộ chỉ mình bác mong sao. Con người sống là có liên hệ với làng xóm, bà
con. Ðâu có ai sống chui rúc một mình được đâu. Cháu thấy đó. Mình ở,
mặc dù là cũng có năm ba nhà, nhưng buồn ghê chưa. Ruộng vườn không
ai làm. Nhà cửa hoang vắng. Bác nói cho mà biết, may mà có đoàn lính qua
đây ở, nên làng cũng bớt vắng vẻ đi. Chớ ở riết chắc điên được. Từ nhỏ tới
lớn bác chưa khi nào mà sợ bằng thời gian nầy, dễ sợ quá. Nói, chớ chẳng
may, toán lính nầy đi mà bà con cô bác không chịu về… Thiệt bác không
biết sao.
Nếu đoàn quân di chuyển đi nơi khác. Nhan rùng mình. Một luồng khí lạnh
chạy dọc sống lưng. Trời chiều bỗng chùng thấp xuống. Nếu đoàn quân bỏ
nơi nầy đi. Nhan đã tưởng đến ngôi làng trở lại đìu hiu hoang vắng. Con
lạch nước chảy im và bên kia bờ ngọn đồi trọc với những ngôi nhà đổ nát.
Nhan chợt nghĩ đến Nghi. Rồi Nghi mà đi. Nhan mới nghĩ mà đã nghe lòng
mình bật khóc.
- Nhưng mình phải tin mới sống được. Với lại bác tin là cực chẳng đã con
người mới bỏ làng, bỏ quê, bỏ đất mà đi. Bác cũng thử rồi đó, mà đi không