lành. Huống hồ gì bây giờ tất cả đều đổi mới.
Một ý nghĩ lóe qua, Nghi rẽ vào một bót Cảnh sát ở gần chợ.
- Tôi muốn hỏi thăm một người quen trong làng, nhưng không biết bây giờ
họ có còn ở đây không ?
Viên Cảnh Sát cắm cúi trên danh sách dân làng. Nghi hy vọng chờ đợi.
- Bà Nguyễn thị Nhan 42 tuổi, ba con.
- Không phải, cô Nhan, khoảng 18 tuổi. Hay ông tìm dùm luôn tên Cả
Bửng, Hai Kiên.
Người Cảnh Sát ngẩng nhìn Nghi cười :
- Ðó đâu phải là tên tộc của họ, ông phải có họ tên rõ ràng chớ làng nầy ai
cũng là Cả, ai cũng là Hai, Ba hoặc Sáu hết.
Người Cảnh Sát kiên nhẫn dò tìm cho Nghi một lần nữa. Khi cây viết đỏ
trên tay ông ta đã đưa đến trang cuối cùng. Nghi thẩn thờ nhìn ra ngoài
đường.
- Chắc những người nầy đã đi làm ăn ở xa hoặc rủi hơn là đã qua đời rồi
ông à. Tìm họ khó lắm, bởi làng nầy hồi trước bỏ hoang, sau dân nhiều nơi
đổ về lập nghiệp. Với lại theo tôi biết, trước kia vùng nầy bị đụng độ đến
hai lần. Cái làng nhỏ bằng bàn tay mà như vậy làm sao chịu nổi. Chiến
tranh đâu có từ ai.
Nghi nói :
- Chiến tranh hết rồi mà.
Người Cảnh Sát ái ngại nhìn Nghi :
- Bây giờ cũng đã chiều rồi. Ngày mai, ông ráng đi hỏi dò khắp làng xem.
Họa may có ai biết. Ðầu chợ nầy có quán cơm. Ông có thể ở nhờ một đêm
ở văn phòng hành chánh xã bên cạnh đây. Chúc ông may mắn.
Nghi từ giã người Cảnh sát tốt bụng và bước ra khỏi bót. Chợ đã về chiều.
Người mua lẫn người bán đều có vẻ hối hả. Từ một căn nhà nào đó phát ra
tiếng ra-di-ô. Nghi cúi xuống nhìn chiếc xách tay của mình. Trong đó,
chàng cũng có một chiếc máy thu thanh bé xíu. Quà của Nghi cho Nhan.
Có một lần, Nhan đã tỏ với Nghi là nàng thích có được một chiếc máy thu
thanh như của thiếu úy Ðạt, thuộc đơn vị của chàng. Nghi cười và hẹn khi