chỉ vì gặp phải một chút tiếng ồn mà dòng suy nghĩ đã bị cắt đứt, hơn nữa
còn lẫn lộn đàn mandolin với em bé. Người giáo viên này đương nhiên đã để
lại ấn tượng sâu sắc cho học sinh, nhưng không phải là vì nội dung bài học
mà cô ấy muốn giảng.
Rất khó để tìm được một giáo viên có thể lên lớp một cách đơn giản theo
phương pháp phổ thông. Còn nhớ có một lần, sau khi giải thích tường tận
nhiều vấn đề với các giáo viên, tôi đã yêu cầu một giáo viên có mặt ở đó
dùng giáo cụ lắp ghép để giảng về sự khác biệt giữa hình vuông và hình tam
giác. Nội dung bài dạy thử của cô giáo đó diễn ra như sau: cô ấy lấy một
hình vuông và một hình tam giác làm bằng gỗ, lắp vào một chỗ tương ứng,
cho trẻ quan sát men theo đường viền của khoảng không và đồ lắp ghép đó
và nói: “Đây là hình vuông, đây là hình tam giác”. Cô ấy cho học sinh dùng
tay sờ vào các cạnh của cái hình lắp ghép gỗ, sau đó nói: “Đây là một cạnh,
đây là cạnh khác, thêm một cạnh nữa, ở đây còn có một cạnh nữa. Tổng
cộng có 4 cạnh. Bây giờ, các con hãy dùng tay của mình chỉ và đếm nhé,
xem cuối cùng có bao nhiêu cạnh tất cả. Ở đây còn có mấy góc, ta lại đếm
xem có mấy góc tất cả. Dùng tay các con sờ vào xem nào. Tổng cộng có 4
góc. Nhìn kĩ rồi nhé. Đây chính là một hình vuông”. Tôi đã sửa lại lỗi cho
người giáo viên này, chỉ ra rằng không phải là cô ấy đang dạy học sinh làm
thế nào để nhận ra hình dáng, mà là đang truyền thụ một số khái niệm có
liên quan đến to nhỏ, góc và số lượng, hoàn toàn khác với những kiến thức
mà trước đó cô ấy học được. Nhưng cô ấy lại giải thích rằng: “Đều như nhau
cả mà”. Nhưng thực chất hai điều này hoàn toàn khác nhau, những gì mà cô
ấy đưa ra chẳng qua là tiến hành phân tích toán học với hình học đối với vật
thể. Thực ra, không cần phải đếm các cạnh, thậm chí không cần nhắc đến cả
số lượng cạnh và góc thì cũng đã có thể nắm được khái niệm về hình vuông,
bởi đây là một khái niệm trừu tượng, không tồn tại thực sự, một miếng gỗ có
hình dạng rõ ràng mới là vật thể tồn tại thực sự. Sự giải thích của giáo viên
không chỉ làm lẫn lộn suy nghĩ của trẻ em, mà còn vượt qua ranh giới giữa
trừu tượng và cụ thể, vượt qua vực sâu ngăn cách giữa hình dạng của giáo cụ
và tính toán trong toán học.