Khoảng 10 năm trước, khi tôi còn làm thực tập sinh tại Bệnh viện Tâm
thần thuộc Trường Đại học Rome, nhân cơ hội này tôi đã tham quan bệnh
viện tâm thần, đối tượng nghiên cứu được chỉ định là bệnh nhân lâm sàng
của khoa này. Chính vì vậy, tôi mới bắt đầu nảy sinh hứng thú đối với việc
nghiên cứu trẻ em chậm phát triển trí tuệ, bởi vì chúng cũng được nhận vào
trong cùng một bệnh viện. Thời kì này, phần lớn các thầy thuốc đều rất nhiệt
tình hứng thú với việc trị liệu bệnh tuyến giáp, việc này càng làm cho tôi say
mê nghiên cứu trẻ em bị thiểu năng trí tuệ. Sau khi hoàn thành xong nhiệm
vụ của thực tập sinh, tôi đã tập trung toàn lực cho việc nghiên cứu bệnh tật
trẻ em.
Thông qua việc quan tâm đến trẻ em chậm phát triển trí tuệ, tôi bắt đầu
tìm hiểu phương pháp giáo dục đặc thù đối với những đứa trẻ thiếu may mắn
do Édouard Séguin phát minh, hơn nữa, nhằm vào những khiếm khuyết khác
nhau – như bệnh nhân điếc, bệnh tê liệt, bệnh đần độn, chứng bệnh còi
xương... để tiến hành phương pháp “trị liệu giáo dục”, khiến tôi bắt đầu cảm
thấy vô cùng hứng thú, việc này ở thời điểm đó đang trở thành một xu thế
phổ biến của giới Y học. Sau nhiều lần suy nghĩ về vấn đề này, tôi đã rút ra
kết luận thực tiễn – tin tưởng rằng giáo dục cần phải kết hợp chặt chẽ với
phương pháp trị liệu chữa khỏi những bệnh này, hơn nữa còn cần phải đặc
biệt tăng cường ứng dụng của Vật lí trị liệu.
Về mặt này, ý kiến của tôi và những đồng nghiệp khác trái ngược nhau.
Xét từ khía cạnh bản năng, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến trí tuệ nghèo
nàn là do vấn đề giáo dục, chứ không phải là vấn đề y học. Tại các hội nghị
khác nhau, mọi người đều đề xướng dùng phương pháp Giáo dục y học để
trị liệu và giáo dục trẻ em có khiếm khuyết. Nhưng tại hội nghị về giáo dục
tổ chức tại Turin, Ý năm 1898, tôi đã đưa ra vấn đề tiến hành giáo dục đạo
đức đối với những trẻ em có hoàn cảnh như thế, khiến cho người nghe rất
đồng cảm, bởi vì quan điểm do thầy thuốc truyền cho giáo viên tiểu học này
chẳng khác nào tia chớp, nhanh chóng thu hút sự quan tâm, hứng thú của
công chúng.