Tôi cho rằng phải may mắn lắm mới có được một ê kíp phối hợp
hiệu quả. Vì chính tôi đã từng rơi vào những trường hợp như thế,
tức là các ca mổ khó mà dù mọi người đã làm việc hết mình, phối
hợp cùng nhau, nhưng vẫn phải trông nhờ vào sự may mắn mới
vượt qua được. Tôi còn nhớ lần tiếp nhận một bệnh nhân 80 tuổi cần
mổ cấp cứu. Trước đó một tuần, ông vừa trải qua một ca phẫu thuật
tim và đang hồi phục khá tốt. Nhưng một đêm, ông bỗng đau bụng
dữ dội và đến sáng hôm sau, cơn đau ấy có vẻ đều hơn. Bộ phận
phẫu thuật đa khoa gọi tôi đến khám cho ông. Lúc đến, tôi thấy
bệnh nhân nằm trên giường, kiệt sức vì cơn đau hành hạ. Nhịp tim
trên 100 và không ổn định. Huyết áp giảm. Khi tôi chạm vào bất kỳ
nơi nào trên bụng, cơ thể ông ấy gần như giật nảy lên khỏi giường vì
đau đớn.
Trông ông vẫn tỉnh táo và không hề tỏ vẻ sợ hãi, dù ông biết là
có điều gì đó không ổn. Nghiến chặt hai hàm răng, ông hỏi: “Chúng
ta cần phải làm gì đây?”.
Tôi đoán là động mạch ruột của ông bị nghẽn. Trường hợp này
giống như bệnh nhân bị đột quỵ, chỉ khác là sự cố xảy ra ở ruột chứ
không phải ở não. Vì máu không thể chảy vào ruột nên ruột bị hoại
tử và thoát vị. Bệnh nhân không thể sống sót nếu không phẫu thuật.
Nhưng ngay cả giải phẫu cũng có thể không giúp được gì. Một nửa
số bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh này sẽ qua khỏi. Mà ngay cả khi ông
là một trong số đó thì vẫn có nhiều biến chứng đáng lo. Có thể ông
sẽ phải thở máy và ăn uống bằng đường ống. Ông đã lớn tuổi, lại
vừa trải qua một ca phẫu thuật nguy hiểm nên còn rất yếu. Tôi hỏi
liệu ông có muốn thực hiện ca mổ không.
Ông gật đầu, nhưng muốn tôi nói chuyện với vợ và con trai ông
trước. Tôi gọi điện thoại cho họ và họ đồng ý. Tôi gọi điện đến bàn
hướng dẫn của phòng mổ và giải thích tình hình. Cần chuẩn bị ngay