xảy ra ở những bệnh viện lớn. Bệnh viện của tôi có 42 phòng mổ với
hơn 1.000 nhân viên. Chúng tôi liên tục nhận y tá mới, kỹ thuật viên
mới, bác sĩ thực tập và bác sĩ điều trị mới. Hầu như lúc nào cũng có
người mới tham gia vào ê kíp mổ. Kết quả là bạn khó mà biết trước
nhân sự cũng như trình độ của ê kíp, dù đây là nhân tố quan trọng
ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc giải phẫu. Nhưng không
hiểu sao chúng tôi lại có thể phối hợp ăn ý đến vậy. Thật là thú vị!
Có vẻ đây chỉ là sự may mắn. Nhưng giả sử không phải nhờ vào
may mắn thì có khả năng là nhờ vào các danh mục kiểm tra mà Bệnh
viện Đại học Toronto, Bệnh viện Johns Hopkins và hệ thống Kaiser
đưa ra. Họ nhất mực cho rằng mọi người cần thảo luận với nhau về
mỗi ca mổ ít nhất một phút trước khi bắt đầu. Đây là cách nhằm
thúc đẩy tinh thần hợp tác giữa các thành viên, một hình thức giống
như hội ý nhóm. Ngoài ra, (đây là điều khá lạ so với những gì tôi
biết) có một bước phải hoàn thành trong danh mục kiểm tra là các
thành viên trong ê kíp mổ có nhiệm vụ tự giới thiệu tên và công việc
của mình.
Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong danh mục kiểm tra
của Johns Hopkins. Trước khi một ê kíp mới bắt đầu ca mổ, mọi
người sẽ giới thiệu tên và chức danh của từng người, sau đó đánh
dấu vào ô kiểm tra: “Tôi là Atul Gawande, bác sĩ giải phẫu chính”,
“Tôi là Jay Powers, y tá tuần hoàn”, hay “Tôi là Zhi Xiong, bác sĩ gây
mê” – đại loại thế.
Tôi cứ thấy sường sượng và tự hỏi liệu chuyện này có thực sự
cần thiết chăng. Nhưng hóa ra người ta đã tính hết mọi nhẽ trước
khi yêu cầu bạn làm như vậy. Các nghiên cứu tâm lý trong nhiều
lĩnh vực khác nhau đã chứng minh điều này là có ích: những người
biết tên nhau thường phối hợp với nhau tốt hơn. Và chính Brian
Sexton, nhà tâm lý học của Bệnh viện Johns Hopkins, đã thực hiện
các nghiên cứu tại phòng mổ để thẩm định lại ý kiến trên. Trong một