nghiên cứu, ông cùng nhóm của mình phỏng vấn các thành viên
trong ê kíp mổ vừa trở ra khỏi phòng phẫu thuật và hỏi họ hai câu:
họ đánh giá mức độ giao tiếp trong phòng mổ như thế nào, và tên
của những thành viên khác trong ê kíp mổ là gì. Các nhà nghiên cứu
nhận thấy trong khoảng một nửa số ê kíp mổ, các thành viên không
biết tên nhau. Tuy nhiên, một khi họ biết tên của những thành viên
còn lại thì mức độ giao tiếp tăng lên đáng kể.
Các nhà điều tra tại Johns Hopkins và những nơi khác còn quan
sát thấy rằng khi y tá có cơ hội tự giới thiệu tên và nói lên những lưu
ý của mình trước khi bắt đầu ca mổ, có thể họ sẽ chú ý nhiều hơn
đến các vấn đề và nêu giải pháp xử lý vấn đề. Các nhà nghiên cứu
gọi đây là “hiệu ứng kích hoạt”: Có vẻ khi tạo cho ai đó cơ hội phát
biểu ngay từ ban đầu, bạn sẽ kích hoạt trong họ cảm giác muốn
tham gia, khơi gợi trách nhiệm cũng như thiện ý muốn bộc lộ những
mối quan tâm của mình.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này vẫn còn nhiều điểm hạn chế và
hầu như không đáng tin cậy. Nhưng kết quả ban đầu cũng rất thú
vị. Ngoài kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, trước đây chưa có
yếu tố nào được chứng minh là có thể tăng khả năng của các bác sĩ
phẫu thuật nhằm giảm nguy hiểm cho bệnh nhân. Nhưng ở đây, tại
ba thành phố khác nhau, các ê kíp đã thí nghiệm trên các danh mục
kiểm tra khác nhau, và ở mỗi danh mục người ta lại phát hiện ra một
tác dụng tích cực.
Ở Bệnh viện Johns Hopkins, các nhà nghiên cứu đặc biệt đo
lường hiệu quả của danh mục kiểm tra lên khả năng phối hợp. Có 11
bác sĩ phẫu thuật đồng ý thử nghiệm trong các ca phẫu thuật của họ,
bao gồm bảy bác sĩ phẫu thuật tổng quát, hai bác sĩ phẫu thuật tạo
hình và hai bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Sau ba tháng, số thành viên
trong ê kíp mổ của những bác sĩ này báo cáo rằng “ê kíp của họ phối
hợp với nhau tốt” nhảy vọt từ 68% lên 92%.