hơi ẩm, chưa đến một giọt cho mỗi hai lít. Khi bay qua vùng lạnh
giá, hơi ẩm sẽ đóng băng tạo thành những tinh thể đá nhỏ li ti nổi
trên mặt nhiên liệu. Người ta chưa từng coi đây là vấn đề quan
trọng. Nhưng có thể trong chuyến bay dài qua Bắc cực êm ả – như
chuyến bay này – dòng nhiên liệu trở nên chậm đến nỗi các hạt băng
nhỏ đó có đủ thời gian để lắng xuống và đã tích tụ ở nơi nào đó
trong thùng xăng. Sau đó, lúc máy bay đột ngột tăng tốc, như lần hạ
độ cao cuối cùng trước khi tiếp đất, dòng nhiên liệu bị hút mạnh gây
nên sự xáo trộn, làm cho những hạt băng đang lắng yên bị tung lên
và ùa vào các đường ống dẫn nhiên liệu, gây tắc nghẽn.
Tuy nhiên, các nhà điều tra không có một bằng chứng xác thực
nào cả. Điều này cũng gần giống tình huống khi có một người bị
chết ngạt trên giường và được giải thích là: vì một lý do nào đó mà
toàn bộ khí oxy trong phòng đã chuyển sang phòng khác, khiến cho
người ấy bị chết trong lúc ngủ. Có thể lắm, nhưng lời giải thích nghe
thật khó tin. Nhưng khi các nhà điều tra thử lại bằng cách phun trực
tiếp các tinh thể đá vào trong đường ống dẫn nhiên liệu, kết quả lại
đúng như những gì họ đã dự đoán: đường ống bị tắc nghẽn.
Gần tám tháng sau vụ tai nạn, họ chỉ có thể giải thích như vậy
về nguyên nhân gây nên sự cố. Mọi người nóng lòng muốn làm điều
gì đó để ngăn chặn một tai nạn tương tự. Những lời giải thích ở trên
cũng có thể đúng. Để tìm cách khắc phục sự cố này, các nhà điều tra
đã thực hiện nhiều thí nghiệm để tìm giải pháp. Khi một động cơ
ngưng hoạt động, bản năng của phi công là tăng ga. Nhưng nếu các
tinh thể đá đã tích tụ lại bên trong, việc tăng dòng nhiên liệu có thể
hút chúng vào các đường ống. Họ đi đến quyết định rằng phi công
nên làm điều ngược lại, nghĩa là để động cơ không hoạt động trong
giây lát nhằm giúp giảm dòng lưu chuyển của nhiên liệu và có thêm
thời gian để quá trình trao đổi nhiệt trong đường ống làm tan chảy
các hạt tinh thể đá – chỉ mất vài giây. Và động cơ sẽ hoạt động bình