Trở ngại thứ hai, rất khó nhận biết, là con người tự cho phép bỏ
qua các bước, ngay cả khi họ vẫn nhớ. Vì suy cho cùng, trong các
quy trình phức tạp, chắc chắn vẫn có những bước không quan trọng.
Chẳng hạn như bộ phận điều khiển bánh lái độ cao máy bay luôn
được mở và việc kiểm tra gần như là vô nghĩa. Hay trong số 50 bệnh
nhân chỉ có một bệnh nhân thực sự cần phải kiểm tra đồng thời bốn
triệu chứng nói trên. Mà chúng ta thì thường nói “Từ trước đến giờ
có vấn đề gì đâu”. Nhưng rồi một ngày, “vấn đề” sẽ xảy ra.
Danh mục kiểm tra có thể giúp ngăn ngừa những lỗi trên bằng
cách nhắc chúng ta nhớ các bước cần thiết tối thiểu, đồng thời làm
cho các bước ấy trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Ngoài ra, hành động này
còn giúp người thực hiện tuân thủ kỷ luật làm việc nhằm đạt được
hiệu quả cao nhất. Nghĩa là các bác sĩ luôn phải kiểm tra đầy đủ bốn
triệu chứng của bệnh nhân, mặc dù họ có thể không tin vào danh
mục kiểm tra.
Trước đây, việc ghi lại bốn triệu chứng trên chưa được đưa vào
quy định. Mãi đến những năm 60, các y tá mới nhận ra tầm quan
trọng của chúng. Thế là họ lập biểu đồ và bảng biểu để ghi lại các
triệu chứng của bệnh nhân, nhưng chủ yếu là giúp họ tự kiểm tra
công việc. Bằng cách ghi lên đó tất cả những việc y tá phải làm trong
một ngày, từ phát thuốc, băng bó vết thương cho đến khắc phục sự
cố, biểu đồ này đảm bảo cứ mỗi sáu tiếng, hoặc ít hơn tùy vào đánh
giá của mình, các y tá sẽ kiểm tra mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở
và nhờ vậy biết được chính xác tình trạng của bệnh nhân.
Hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện, y tá lại thêm vào một triệu
chứng nữa là cơn đau, được bệnh nhân mô tả mức độ từ một đến
mười. Ngoài ra, họ còn đưa ra sáng kiến lập bảng tóm tắt kế hoạch
chăm sóc và lịch phát/tiêm thuốc cho mỗi bệnh nhân. Chẳng ai gọi
chúng là danh mục kiểm tra, nhưng về bản chất thì đúng là như thế.
Và dù được sử dụng rộng rãi trong hoạt động điều dưỡng, danh