nhìn của chúng ta.
Hãy để nhà văn được tự do hiểu, quan sát, cấu tứ tuỳ anh ta, miễn rằng anh
ta là nghệ sĩ. Chúng ta hãy phấn khích một cách thơ mộng để bình xét một
nhà lý tưởng hoá, và hãy chứng minh cho anh ta thấy rằng mơ mộng của
anh ta xoàng, tầm thường không đủ rồ dại hoặc tráng lệ. Nhưng nếu chúng
ta xét đoán một nhà tự nhiên chủ nghĩa, hãy chỉ cho anh ta thấy sự thật
cuộc đời khác sự thật trong sách của anh ta chỗ nào.
Hiển nhiên là các trường phái khác biệt nhau đến thế phải sử dụng những
biện pháp kết cấu hoàn toàn đối lập.
Nhà tiểu thuyết biến hoá sự thật hằng cứu, thô bạo và khó ưa, để rút từ đó
ra một sự biến khác thường và hấp dẫn, phải vận dụng các biến cố theo ý
muốn, chẳng băn khoăn quá đáng về tính giống như thực, phải sửa sọan các
biến cố và sắp xếp chúng để làm người đọc thích, khiến người đọc xúc cảm
hay động lòng. Đề cương tiểu thuyết của anh ta chỉ là một loạt những trù
hoạch tinh xảo dẫn dắt một cách khéo léo đến chung cục. Các sự cố được
sắp đặt, tăng tiến dần dần tới đỉnh điểm và tới hiệu quả của kết thúc, nó là
một biến cố cốt yếu và quyết định làm thoả mãn mọi niềm tò mò được thức
tỉnh lúc khởi đầu, đặt một hàng rào ngăn hứng thú quan sát và chấm dứt
truyện kể một cách thật trọn vẹn đến mức người ta không còn muốn biết
những nhân vật đáng quyến luyến nhất ngày mai sẽ ra sao nữa.
Trái lại nhà tiểu thuyết tự nhận là cho chúng ta một hình ảnh chính xác về
cuộc sống, phải chú ý tránh bất kỳ sự liên kết biến cố nào có vẻ khác
thường ngoại lệ. Mục đích của anh ta không phải là kể cho ta một câu
truyện, làm ta vui hay động lòng, mà là buộc ta phải nghĩ ngợi, phải hiểu ý
nghĩa sâu xa và ẩn giấu sau các biến cố. Do đã thấy nhiều và suy ngẫm
nhiều, anh ta nhìn vũ trụ, sự vật, sự kiện và con người theo một cách nào đó
riêng của mình, nó là kết quả của toàn bộ những quan sát chín chắn nơi anh
ta. Chính cái nhìn riêng của cá nhân đối với thế giới là điều anh muốn
truyền đạt cho ta, bằng cách tái hiện cái nhìn ấy trong một cuốn sách. Để