và sáng loà, vài gợn sóng chậm rãi.
Và họ nhìn thấy những tàu khác, cũng có vầng khói bên trên, từ mọi ngả
chân trời chạy về con đê ngắn màu trắng đang nuốt chửng chúng như một
cái miệng, tàu nọ tiếp tàu kia. Rồi những thuyền đánh cá và những thuyền
buồm lớn với các cánh buồm mảnh nhẹ lướt trên nền trời, được những tàu
kéo không nhìn thấy kéo đi, tất cả đều tiến, hoặc nhanh hoặc chậm, về phía
con quỷ phàm ăn, con này, thỉnh thoảng, dường như đã no nê, và phun ra
lại biển khơi một hải đoàn khác gồm những tàu, những thuyền nhỏ hai
buồm, những thuyền những tàu nhẹ, những con tàu ba cột buồm đầy những
dây những mảng buồm nhằng nhịt. Những chiếc thuyền máy tẩt tả vút sang
phải, sang trái, trên lòng Đại dương phẳng lặng, trong lúc các tàu chạy
buồm, được những con tàu nhỏ kéo về rồi lại bỏ đó, đứng im lìm, khoác
trên mình từ cột lớn cho đến cột nhỏ, vải buồm trắng hay buồm nâu trông
tựa như màu đỏ dưới ánh tà dương.
Bà Roland, mắt lim dim, thì thầm:
"Chúa ơi! Mặt biển này, sao mà đẹp đến thế!"
bà Rosémilly đáp lại, với tiếng thở dài lâu dứt, thản nhiên không có gì buồn
bã:
"Vâng, nhưng đôi khi nó gây nhiều tai hoạ".
Roland reo lớn:
"Này, tàu Normandie đang vào bến. Nó to quá, nhỉ?"
Rồi ông giảng giải về bờ biển trước mặt, đàng này, đằng kia, mạn bên kia
cửa sông Seine – hai mươi cây số, cái cửa sông ấy – ông bảo thế. Ông chỉ
Trouville, Houlgate, Luc, Arromanches, vùng Caen và những tảng đá miền
Calvados khiến tàu bè qua lại gặp nguy hiểm cho tới tận Cherbourg. Rồi
ông bàn đến vấn đề những giải cát ở sông Seine, sự di chuyển theo mỗi đợt
thuỷ triều làm cho chính các hoa tiêu ở Quilleboeuf cũng mắc sai lầm, nếu
như hàng ngày họ không đi khắp con lạch dẫn vào con sông. Ông lưu ý Le
Havre ngăn cách miền Hạ Normandie với miền Thượng ra sao. Ở
Normandie hạ, bờ biển bằng phẳng, thoai thoải những bãi chăn gia súc,
những đồng cỏ, những thửa ruộng cho đến biển. Ngược lại, bờ biển
Normandie thượng bị thẳng đứng, một bờ dốc cao, khúc khuỷu, lô cốt hùng