dao động. Không chỉ chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Vladimir
Putin phát biểu chống tấn công quân sự và yêu cầu Hoa Kỳ trình bằng
chứng cụ thể. Những lãnh đạo khác cũng phản ứng kiềm chế trước
phát biểu của Obama. Một mặt, họ nghĩ có thể chính quân đội chế độ
Assad vi phạm lệnh cấm quốc tế. Nhưng mặt khác, không thể loại trừ
trong việc này có sự dính líu của những kẻ cực đoan Hồi giáo, muốn
buộc phương Tây can thiệp. Những cuộc bàn bạc song phương sau khi
nghe “La Traviata”
của Verdi sau bữa ăn không cho kết quả mong
muốn. Một số thành viên muốn đợi báo cáo của các thanh tra quân sự.
Còn Thủ tướng Anh Cameron, người sẵn lòng đi cùng Obama vào
cuộc chiến, không nhận được sự đồng tình: nghị viện ở London, vài
ngày trước Hội nghị thượng đỉnh, đã nhất quyết loại trừ sự tham gia
của Anh vào chiến dịch quân sự dự định. Trong số những người châu
Âu chỉ có Pháp đứng về phía Hoa Kỳ. Thậm chí Thủ tướng Liên bang
Đức Angela Merkel cũng bác bỏ khả năng tham gia chiến dịch quân
sự. Giáo hoàng La Mã Francis từ Roma đã phát đi lời kêu gọi chính
thức đến Hội nghị thượng đỉnh, mong muốn tìm một giải pháp hòa
bình cho Syria. “Hãy tìm một con đường giải quyết xung đột và đừng
theo đuổi mong muốn điên cuồng của một giải pháp quân sự”, Người
viết trong thư ngỏ (256).
Barack Obama bị mắc kẹt. Trong tình huống phức tạp, người đoạt
giải Nobel Hòa bình đã không đặt ra vấn đề đạo đức. Những tính toán
chính trị đối nội của ông hóa ra đã sai lầm - từ Washington tin xấu bay
đến. Cuộc tấn công quân sự như đã tuyên bố không thể tự động được
tiến hành, người của ông thông báo. Chiến lược lôi cuốn Quốc hội về
phía mình để bảo đảm, hóa ra lại thành cú dội ngược. Mặc dù các đại
biểu vẫn còn trong kỳ nghỉ hè, nhưng cuộc khảo sát đầu tiên do chính
quyền tiến hành chỉ ra hành động quân sự của Obama sẽ không nhận
được sự ủng hộ của đa số.