Hắc kiếm được Phương Dung gỡ nhục, y cười híp mắt lại, không nói gì. Cả
bọn tiếp tục lên đường. Đến khi mặt trời gần xế bóng, Hoàng kiếm nói:
– Thưa công tử, sắp tới huyện Đăng-châu rồi. Đêm nay chúng ta ngủ ở
Đăng-châu, mai sẽ lên đường tiếp. Huyện-lệnh Đăng-châu là Trương
Thanh, người Hán, quê ở Kinh-châu, nhậm chức đã được trên mười năm.
Tô Phương đồng ý. Đoàn người tiến vào Đăng-châu.
Khi nghe đến tiếng Đăng-châu, Đào Kỳ thấy tim mình như bị nhói lên một
cái. Bồi hồi thầm nghĩ:
– Trước đây Tường Quy nói rằng cha nàng đã hứa gả nàng cho con trai
Huyện-lệnh Đăng-châu, họ Trương. Đã hơn năm qua rồi, chắc giờ này nàng
đang sống hạnh phúc bên chồng. Không biết lúc này nàng có biết ta cũng
đang ở Đăng-châu không? Ta làm thế nào để tìm được nàng? Nhìn nàng
một lần cho thoả tấc lòng nhung nhớ bấy lâu?
Tự nhiên Đào Kỳ nảy ra ý tưởng cứ liều đột nhập phủ đường Đăng-châu để
gặp được Tường Quy, rồi có vì nàng mà chết cũng cam lòng. Chàng nghĩ
tiếp:
– Ừ, sao ta không đột nhập phủ đường Đăng-châu lén nhìn dung nhan
nàng? Biết đâu ta chẳng được nghe nàng đánh đàn? Rồi sau đó bị vệ sĩ phát
giác, ta vừa chiến đấu vừa chạy. Nếu chẳng may ta bị giết, sáng nàng thức
giấc, binh sĩ kể cho nghe, đêm qua có tên trộm viếng dinh huyện lệnh bị
giết, xác còn phơi ngoài đường. Nàng ra đường coi, thấy ta chắc nàng sẽ
nhỏ xuống xác ta mấy giọt nước mắt. Chỉ cần thế thôi, ta cũng mãn nguyện
lắm rồi.
Nghĩ tới đó thì đoàn người đã đi vào phố huyện.
Bạch kiếm hỏi:
– Công-tử chúng ta kiếm hàng quán, rồi cho gọi Huyện-lệnh tới, hay chúng
ta vào Huyện?
Tô Phương gật đầu:
– Chúng ta vào quán ăn trước, rồi cho gọi y đến.
Cả bọn tiến vàomột tửu lâu lớn nhất, trên có chiến đèn lồng mầu đỏ đề ba
chữ Anh hùng lâu. Chủ quán thấy bọn tám người ăn mặc sang trọng, nửa
Hán, nửa Việt; lưng đeo kiếm, vội cúi rạp mình xuống mời. Cả bọn lên lầu.