Trung-nguyên của Tô Định để đánh cướp.
Đào Kỳ thắc mắc:
– Tại sao lại vùng Tiêu-sơn?
Phương Dung cười:
– Đại ca quên câu hư là thực, thực là hư sao? Nếu chúng ta chặn cướp ở
đây, Lê Đạo Sinh sẽ cho người điều tra, rồi mang quân lên đánh, chúng ta
sẽ gặp nguy hiểm. Chúng ta vượt rừng tới Tiêu-sơn là địa phận của chín
trang ấp thuộc quyền Lê Đạo Sinh mà đánh cướp, khiến cho y điên đầu.
Thêm nữa, Tô Định lại có thể nghi ngờ y. Có điều, chúng ta phải phục kích
bắt gọn, không cho một tên sóng sót chạy thoát. Như vậy, Tô Định sẽ cứ
tưởng đoàn vận tải đã sang Trung-nguyên. Hơn năm sau không thấy trở về,
mới cho điều tra, lúc đó, e rằng còn khó khăn hơn bắc thang lên trời.
Đào Kỳ khám phá ra rằng Phương Dung cũng đọc những sách Lục-thao,
Tôn-tử binh pháp như chàng, nhưng nàng áp dụng uyển chuyển hơn nhiều.
Nàng tổ chức những toán do thám nho nhỏ khắp nơi. Khi được tin có đoàn
vận tải vũ khí, lương thảo sắp tới, nàng thân đi thám sát địa thế: Chỗ nào
phục quân, chỗ nào phục toán tiễn thủ, chỗ nào lăn gỗ đá chặn đường.
Phương Dung còn cẩn thận hơn, cho tráng đinh tập trận thử, để khi lâm trận
không bị bỡ ngỡ.
Trong một tháng, Phương Dung đã đánh cướp ba đoàn vận tải. Lính Hán
chuyên chở nào là vũ khí, nào là lương thực, nào là lừa ngựa, trâu bò, đều
bị cướp hết. Trong trang Văn-lạc kho đụn chất đống, vũ khí dư thừa. Trang
có đến hơn ba trăm con trâu để cày bừa, chuyên chở. Ngựa chiến gần năm
trăm con.
Đào Kỳ định đánh cướp nữa, nhưng Phương Dung cản lại:
– Không nên! Nếu trong chiến tranh, chúng ta đánh cướp của giặc càng
nhiều càng tốt. Nhưng chúng ta hiện còn đang ẩn thân, nếu đánh cướp
nhiều quá, có thể sẽ bị lộ mất. Hãy tạm ngưng. Chỉ khi nào thiếu lương
thảo mới tiếp tục.
Trong thời gian đó, Phương Dung giải thoát hơn năm trăm lao binh nữa.
Thế là lực lượng trang Văn-lạc lên tới một sư, toàn những trai tráng ngút
lửa yêu nước, chờ đợi ngày tiến đánh Luy-lâu. Hơn tháng sau, một hôm