Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Q1 - Anh Hùng Lĩnh Nam
Hồi 18
Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu
Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.
(Kinh Thi, Quan thư)
Nghĩa là:
Có người con gái nết na, người quân tử đến xin cầu hôn.
Câu này trích trong bài Quan-thư, phần Quốc-phong, Chu-nam, kinh Thi.
Hai câu này rất thông dụng trong ngôn ngữ cổ, khi nói đến hôn nhân.
Từ trang Văn-lạc đi Mê-linh không xa, chỉ mất khoảng một ngày sức ngựa.
Đào Kỳ, Phương Dung càng đi gần về phía Mê-linh, càng thấy dân cư đông
đúc, trang ấp rộng rãi.
Qua một vài thị trấn nhỏ, họ dừng bước ngắm cảnh. Phương Dung nhận
thấy ở vùng này quân Hán đỡ sách nhiễu dân chúng hơn vùng Long-biên.
Dân chúng tương đối được tự do hơn.
Đào Kỳ đưa ra nhận xét:
– Người ta bảo rằng người nước Lỗ ai cũng biết đọc sách cũng không sai.
Từ đây lên Mê-linh còn cả mấy chục dặm, vậy mà ảnh hưởng của Đặng Thi
Sách với Nhị Trưng đã mạnh mẽ thế: Dân chúng sống thoải mái, tự do, bọn
quân Hán không dám sách nhiễu.
Nói xong chàng mỉm cười, mặt tươi hẳn lên, đầy hứng thú, tưởng chừng
trên đời chưa bao giờ có vậy.
Phương Dung suy nghĩ:
– Từ ngày gặp chàng đến giờ, chưa bao giờ thấy chàng cao hứng như vậy.
Suốt ngày nếu không than thở bọn Hán tàn bạo, lại nguyền rủa bọn Việt
theo Hán, hoặc tủi hận đất nước tối tăm, điêu tàn. Cho tới hôm gặp Lê
Chân, Phùng Vĩnh Hoa và chú của chàng mới thấy chàng cao hứng một lần.
Nhưng sau đó chàng lại buồn sầu mất hết chí khí vì vụ Tường Quy, ta
không biết cách nào khuyên giải được. Không ngờ giữa đường, ta với
chàng lập đưọc trang Văn-lạc, rồi đến đây, thấy ảnh hưởng của Thi Sách,