– Nếu đất nước không bị giặc Hán cai trị, ta với Phương Dung đến đây ở,
đánh đàn, nghe chim hót, chẳng thần tiên lắm sao?
Có tiếng từ trong hỏi vọng ra:
– Không biết cao nhân nào viếng đó?
Rồi tiếng dép lẹp kẹp, Trưng Nhị từ trong đi ra. Nhận ra Đào Kỳ và Phương
Dung, Trưng Nhị mừng lắm:
– Chị nghe một tiếng chân trầm mà khoan, một tiếng chân nhỏ như tiếng
chân chim, tưởng đại cao thủ nào tới, hóa ra hai em. Vào đây, chị em chúng
ta nói chuyện mấy ngày cho thỏa chí.
Câu nói của Trưng Nhị hào sảng như nam nhi, làm Đào Kỳ khoan khoái
trong lòng. Trưng Trắc, Đặng Thi Sách cũng đã đến. Sáu người cùng ngồi
trong căn nhà bên bờ suối, uống nước suối, ăn trái cây, nói chuyện.
Đào Kỳ nói:
– Chúng em từ Long-biên lên đây để gặp anh chị, không ngờ gặp người họ
Hùng, họ Trần, vướng mắc mãi hôm nay mới tới đây được.
Trưng Trắc nói:
– Thì ra hai em đi tìm chúng ta? Chúng ta cũng đang mong được nghe tin
từ miền xuôi như thế nào?
Đầu tiên, Đào Kỳ trình bày việc Cửu-chân rất tường tận. Từ vụ Thái-thú
Nhâm Diên mưu Hán hóa người Việt. Đào Thế Hùng ra Bắc làm Huyện-úy.
Còn chín nhà ở Cửu-chân thì năm nhà theo Hán, hai nhà đứng giữa, chỉ có
Đinh, Đào chống lại. Cuộc đánh chiếm Đào, Đinh trang, cha mẹ chàng thất
lạc ra sao, rồi chàng vào làm tôi tớ cho Thái-hà trang, gặp Đặng Thi Kế,
Nguyễn Phan trong tù. Việc chàng đại náo Cổ-đại. Nguyễn Trát bàn với
chàng nên tìm Đặng Thi Sách để hỏi ý kiến về đại hội hồ Tây. Trên đường
đi, gặp Tô Phương, Ngũ-phương thần kiếm.
Nghe kể, Đặng Thi Sách ngắm nhìn Đào Kỳ, tự nghĩ: Thiếu niên này tuổi
bất quá 18, 19, hoàn cảnh vong quốc, được cha anh tạo thành người ưu tư
thế sự. Ông hỏi Trưng Nhị:
– Nhị muội! Theo ý nhị muội, chúng ta phải làm gì bây giờ?
Trưng Nhị ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Chúng ta có hai việc phải làm: Thứ nhất, chia rẽ Nghiêm Sơn với Tô