Đào Kỳ thất kinh hồn vía, vội dựa vào ghế thở hít làm như còn say rượu.
Thiều Hoa lắc đầu:
– Em cũng thấy lưng người đó giống sư phụ, nhưng sư phụ làm sao có công
lực mạnh dường ấy ? Hơn nữa, sư phụ đâu có biết võ công Tản-viên?
Nghiêm Sơn, Thiều Hoa đành bỏ qua việc ấy, đi ngủ.
Suốt thời gian ở Nghiêm phủ, Đào Kỳ chú ý nghe ngóng tình hình các
tướng tá chỉ huy người Hán, chàng ghi chép tính tình, thói quen, tài năng
từng người một. Lúc có mặt Nghiêm Sơn, chàng lại hỏi về tình hình, cách
luyện quân, tổ chức quân đội, nhất là phương pháp chỉ huy.
Một hôm, Nghiêm Sơn nói:
– Ta nhận được tin bảy mươi hai động vùng Tây-vu thống nhất thành một
châu lớn, tổ hợp lực đến một quân, tức 12,500 người rất hùng mạnh. Người
cầm đầu là một nữ nhân tên Hồ Đề, có ý làm phản. Ta phải lên điều tra mới
được. Vậy Hoa muội ở nhà với tiểu sư đệ và Phương Dung nghe. Thế nào
ta cũng về trước đại hội Tây-hồ.
Nghiêm Sơn lên đường rồi, Đào Kỳ không còn úy kị nữa, chàng ra phố viết
thư nhờ người của Vũ Trinh Thục chuyển, cho Trưng Nhị báo việc của Hồ
Đề đã lộ, phải cẩn thận. Rồi chàng trở về, nói với Thiều Hoa:
– Đại ca đi vắng, chị em mình giả làm thường dân, đến Cổ-loa dò la tin tức
của cha mẹ em xem sao?
Cái u uất của Thiều Hoa là nàng lấy chồng, hơn nữa, lại lấy kẻ thù của đất
nước, kẻ thù của sư môn mà không được phép của sư phụ. Vì vậy, khi nghe
đến việc đi tìm sư phụ, nàng mừng lắm, đồng ý liền. Nàng muốn tìm sư phụ
để tạ lỗi cho yên lòng. Nàng viết mảnh giấy để lại cho Nghiêm Sơn, rồi
cùng Đào Kỳ, Phương Dung lên đường đi Cổ-loa.
Cổ-loa thời bấy giờ thuộc huyện Long-biên. Huyện lệnh là người Hán,
Huyện-úy là người Việt. Y là đệ tử của Lê Đạo Sinh, trước đây, y đã bắt
giam Đào Kỳ. Đào Kỳ tính còn trẻ con, muốn trở lại đất cũ, nhìn mặt kẻ
thù. Chàng nói vói Thiều Hoa:
– Sư tỷ, em nghĩ rằng Huyện-úy là người dưới trực tiếp của Nghiêm đại ca,
vậy sư tỷ nên đến huyện đường bảo y tìm tung tích sư phụ xem sao?
Từ nhỏ, vốn tính nhu thuận, Thiều Hoa nuông chiều Đào Kỳ đã quen, nên