nghe lời tiên sinh đấy.
Năm tên vệ sĩ của Tô Định biết nếu chậm trễ sẽ nguy. Chúng nháy nhau, rồi
cùng hướng về phía Hồ Đề, rút kiếm, phi thân xuống. Hồ Đề biết mình
không phải là đối thủ của chúng, nên nàng đưa cây tù và lên miệng thổi một
hồi. Lập tức có hàng vạn tiếng gầm gừ rung chuyển trời đất, rồi một đàn
vừa beo, vừa cọp, vừa sư tử từ sau khán đài ào ào chạy ra, nhe răng, múa
vuốt đe dọa năm tên vệ sĩ của Tô Định. Ai nhìn thấy cảnh đó cũng sởn gai
ốc. Năm tên vệ sĩ thấy vậy, ớn da gà, vội vung kiếm thủ thế.
Tô Định thấy nguy, quát lớn:
– Thiết kỵ đâu! Ra tay mau!
Khi chuẩn bị đại hội Tây-hồ, Tô Định đã bàn với Đạo Sinh mang hai lữ
thiết kỵ đóng gần đó, phòng khi hữu sự sẽ kịp thời ra tay. Nhưng, người có
quyền ra lệnh cho kỵ binh lại là Nghiêm Sơn chứ không phải Tô Định, nên
hai lữ trưởng kỵ binh vội liếc mắt nhìn Nghiêm Sơn để hỏi ý kiến. Nghiêm
Sơn lắc đầu. Họ lại trở về chỗ ngồi. Tô Định giận lắm, hỏi Nghiêm Sơn:
– Quốc công! Tại sao Quốc-công không chịu ra tay?
Nghiêm Sơn quắc mắt nhìn y:
– Kỵ binh của Thiên-tử không dùng để giết người vô cớ. Tô Thái-thú! Tôi
là Bình-nam đại tướng quân, trách nhiệm mọi vấn đề an ninh. Đại hội Tây-
hồ nhằm để tuyển người tài về yết kiến Thiên-tử, chứ không phải là dịp để
giết anh tài, hại hào kiệt. Thái-thú không được làm chuyện trái đạo lý như
vậy.
Người mà Tô Định sợ nhất là Nghiêm Sơn. Từ ngày sang Giao-chỉ, y cứ
phải nhờ vả Nghiêm hoài. Y thường dùng lời ngọt ngào để đưa đẩy. Hôm
nay, bị ong đốt, bị mang ra làm trò cười, y tức quá mới dám buông lời cộc
cằn. Y biết mình thất thố, vội vàng chắp tay:
– Xin Quốc-công rộng dung.
Nghiêm Sơn chỉ vào năm tên vệ sĩ của Tô Định, nói với Hồ Đề:
– Hồ cô nương! Năm vị đây quả có đôi lời xúc phạm tới cô nương. Xin cô
nương đại ân đại đức ban cho chúng thuốc giải.
Hồ Đề nhìn sang khán đài Sài-sơn, thấy Đào Kỳ gật đầu nàng hú lên một
tiếng. Lập tức, đàn thú dữ thứ tự lui ra sau khán đài. Rồi nàng vẫy tay một