bỗng dưng con trai út trở về với võ công, kiến thức, thâm sâu không lường,
kéo theo bao nhiêu bạn hữu cùng lứa tuổi. Họ bàn luận cao xa. Trước kia
ông cho rằng mình cô đơn, không có người đồng tâm nhất trí phản Hán
phục Việt. Giờ đây trước mắt ông, mấy chục người lòng dạ cùng như nhau.
Khi ông nghe Phương-Dung đề nghị món của hồi môn, ông vui vẻ nói :
– Được rồi, ta nghe cháu. Cháu đề nghị gì ta cũng nghe, miễn đề nghị đó
không hại đến việc phản Hán phục Việt.
Phương-Dung chắp tay vái Thế-Kiệt :
– Hàn Tín xưa kia anh hùng là thế, lúc chưa gặp thời đã phải lòn trôn tên
bán thịt. Hậu thế không ai chê Hàn Tín. Vậy, muốn Tô Định không hại
Nghiêm đại ca, cùng bảo vệ Đào, Đinh trang, cháu xin lão bá cho đại ca
Nghi-Sơn, nhị ca Biện Sơn giữ một chức võ quan nào đó. Tô Định đâu còn
có gì hại Nghiêm đại ca được nữa ? Quyết định của lão bá là... món hồi
môn đó. Xin lão bá ban cho một lời.
Đào Thế-Kiệt tỉnh ngộ:
– Tôi có ba người con trai. Nhỏ nhất là Kỳ, quý vị đều đã biết. Con lớn là
Nghi-Sơn, con thứ là Biện-Sơn. Kể về văn võ chúng cũng không đến nỗi
nào. Tôi quyết định cho chúng đi theo muội phu là Nghiêm Sơn.
Ông quay lại nói với hai con :
– Chú con, hiện là Huyện-úy Đăng-châu mà có ai cười chê đâu ? Vậy bố
gửi hai con cho Nghiêm Sơn, ra làm quan, giúp dân hơn là theo chí của bố.
Hôm qua, Lục-Trúc tiên sinh muốn các con ra làm việc với phủ Đô-sát
Cửu-chân, bố từ chối mà xảy ra động võ. Hôm nay, bố bằng lòng cho hai
con đi theo Nghiêm Sơn.
Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung, Đào Kỳ nhìn nhau gật đầu, tỏ vẻ hiểu
ý Đào hầu. Chỉ duy có Nguyễn Trát, Đinh Đại và Đào phu nhân là có vẻ
ngơ ngác, không hiểu.
Nguyên khi vừa tới đảo, người con lớn của Đào Thế-Hùng là Đào Hiển-
Hiệu đã đưa cho Đào Thế-Kiệt một phong thư của bố. Đào Thế-Kiệt được
thư thì mừng lắm. Trong thư Thế-Hùng cho biết, hiện giờ đã làm Huyện-úy
Đăng-châu, hơn nữa đã nắm chặt được Huyện-lệnh và quân đội trong tay ;
khi hữu sự, đạo quân Đăng-châu sẽ đánh từ phía sau lên Luy-lâu. Trang