kho keo.
Những món này mọi người đã ăn qua, nhưng vừa ăn lại vừa được nàng
Quốc giảng giải cách nấu nướng, thành ra rất ngon. Cuối cùng nàng Quốc
bưng ra một mâm hoa quả :
– Mùa này chỉ có chuối tiêu, chuối hương, mời quý vị.
Ăn xong, trời vừa tối. Các con của Trần Quốc-Hương đều giỏi âm nhạc. Họ
cùng tấu nhạc cho khách nghe.
Truyện vãn một chút thì có ba tiếng trống vọng vào. Nàng Quốc nói :
– Sư phụ để con ra xem ai. Có thể là Song-quái không chừng.
Nàng vọt lên ngựa ra đi, lát sau dẫn vào một người. Vừa thoạt trông thấy,
Đào Kỳ đã kêu lên :
– Nguyễn Thành-Công tiên sinh !
Chị em Lê Thị Lan cũng reo mừng :
– Sư phụ ! Người vẫn mạnh khỏe chứ ?
Người vừa vào là Nguyễn Thành-Công. Trần Quốc-Hương chắp tay tạ lỗi :
– Tản viên song hùng tới, mà tôi không biết ra nghênh đón, thực có lỗi.
Nguyễn Thành-Công vẫy tay :
– Không dám ! Nghe tin Trần hầu bị bọn phản đồ tới đây làm phiền, tôi là
sư phụ, phải đến để thu thập chúng.
Ông nhìn Lê Thị Lan :
– Các con gặp Đào tam đệ ở đâu mà cùng tới đây ?
Nguyên ông viết cho Đào Kỳ một bức thư, yêu cầu chàng tham dự trong
phái đoàn sang Trung-nguyên, ông sai hai đệ tử mang đi. Lê Thị Lan và Lê
Anh-Tuấn đi tới nửa đường thì gặp Đào Kỳ và đưa thư cho chàng. Đào Kỳ
cũng cho biết cha chàng đã nghe lời Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp, cử
chàng đi. Chị em Lê Thị Lan mừng quá, cùng theo chàng về Bắc. Không
ngờ hôm nay lai gặp sư phụ ở đây.
Đào Kỳ tường trình mọi việc cho Nguyễn Thành-Công nghe. Nghe xong,
ông gật đầu :
– Thực cha nào, con nấy, thầy nào trò ấy. Đào hầu có đệ tử, có con anh
hùng, lão phu vô phúc dạy phải anh em Vũ Hỷ.