– Đánh Long-biên, dĩ nhiên lúc nào mình đánh cũng được. Có điều làm thế
nào không cần đánh, mà giặc phải bỏ đất đi. Binh pháp nói : Biết mình, biết
người trăm trận, trăm thắng. Quân Hán có một Sư kỵ, một Sư bộ và một
Hải đoàn ở Long-biên. Đó là lực lượng Giao-chỉ. Còn lực lượng Long-biên
có một Lữ kỵ, một Lữ bộ hỗn hợp. Huyện-úy còn có thể điều động tráng
đinh của các Lạc-hầu, Lạc-tướng trong vùng nữa. Cho rằng chúng ta chiếm
được Long-biên, thì trong 2.000 người tất hao hụt 1.000 người. Sau khi
được Long-biên rồi trang ấp chúng ta trống rỗng. Giặc từ Bắc-đái, Lục-hải,
Thiên-trường đánh lên. Ta lấy người đâu mà chống đỡ ? Dù Bắc-đái, Lục-
hải, Thiên-trường cùng nổi dậy chiếm đuổi giặc, thì sau đó Hán đế gửi quân
cứu viện sang, chúng ta lất đâu ra người, lương cho binh mã ăn mà chiến
đấu ? Cho nên chúng ta đã ước hẹn phải làm sao để cho Hán đế tin tưởng
rút quân về. Khi nổi dậy các nơi cùng nổi một lúc. Chiếm lại được Lĩnh-
Nam, ta phải lấy sự hòa hợp mọi người, tha cho những ai trót theo Hán, gây
tình đoàn kết thống nhất nhân tâm. Bấy giờ ta khuyến khích trồng trọt, tích
trữ lương thảo, thao luyện sĩ tốt. Có như vậy, người Hán mới bỏ ý định trở
lại, ta mới tồn tại được. Mong bố hãy nghĩ kỹ.
Nguyễn Trát tuy lớn tuổi, nhưng tính tình bồng bột, ông thấy cứ cách vài
tháng xa con gái, lại thấy con ông trông rộng, nhìn xa hơn. Ông mừng lắm.
Phương-Dung lại nói với bố:
– Bố phải theo gương Hàn Tín. Hàn Tín thuở còn thơ ấu đi câu cá làm kế
sinh nhai. Ông thích đeo kiếm. Khi bị tên hàng thịt gây sự. Y bảo : Ngươi
thích đeo kiếm, vậy có giỏi thì hãy giết ta đi. Còn không thì phải chui dưới
quần ta. Hàn Tín suy nghĩ : Nếu giết tên bán thịt thì dễ quá, nhưng giết y
thân bị tù tội, đâu còn làm được việc lớn nữa ? Ông chịu lòn qua háng tên
bán thịt. Vì vậy sau này ông làm nên những chuyện kinh thiên động địa. Bố
bây giờ cũng vậy : Nín nhịn luyện tập sĩ tốt, tích trữ lương thảo, liên lạc với
người Hán làm như phục tùng họ. Chờ thời cùng các nơi nổi dậy. Việc của
chúng con là đi Trung-nguyên, tỏ ý quy phục Hán triều cho họ rút quân về.
Họ rút đi rồi chúng ta nổi dậy dễ dàng hơn. Việc trước mắt thứ nhì là làm
sao chia rẽ giữa Nghiêm Sơn và Tô Định, chúng ta đã làm xong. Nghiêm
Sơn bây giờ đã là người đi cùng đường với ta. Ta lại phải chia rẽ Tô Định