Alexandre Soljenitsyne
Quần đảo ngục tù
Phần 1
Những dòng sông người chảy vào tù ngục phần:1
Giờ đây mỗi khi dân Nga công kích cái gọi là nạn thần thánh hoá lãnh tụ
chắc chắn chẳng ai quên những năm dài mà đối với chúng tôi là những năm
nghẹt cổ, thắt họng: hai năm 1937, 1938. Người ta chỉ nhớ thế thôi, làm
như nhà nước chỉ bắt người trong hai năm đó còn trước hay sau không có
vậy!
Sự thực trong tay hiện không có tài liệu, con số rõ ràng nhưng tôi biết chắc
rằng đợt bắt người hai năm 37, 38 chẳng phải đợt duy nhất mà cũng chẳng
phải đợt chính. Phải nói đó chỉ là 1 trong 3 đợt lớn nhất mà nếu tù là nước
và nhà lao là cống rãnh thì quả thực nước đã ùa quá dữ, tan tành cả hệ
thống ống cống. Phải nói cả một dòng sông người chảy vào lớp lớp tù ngục.
Trước đó đã có lớp sóng 1929-1930 đại khái cũng bằng con nước sông Ob,
tối thiểu cũng cuốn ít nhất 15 triệu nông dân sang vùng đồng khô cỏ cháy
hay tuyết phủ quanh năm. Có ai nghe nói gì vì đám nông dân câm nín đã
quen chẳng kêu ca mà phản đối, than phiền hay ghi chép hồi ký càng
không! Chẳng nhọc lòng mấy ông điều tra viên đêm hôm cật vấn, khỏi có
vấn đề tư toà, kết án. Một thông tư gởi đến Ủy ban Xã là xong hết. Lớp
sóng nông dân đổ ào ào rồi mất hút trong một vùng bao la băng đóng quanh
năm. E không bộ óc sáng suốt nào lưu giữ nỗi một tí chi tiết. In hình nó
không đủ là một vết gợn trong lương tâm con người bấy giờ. Bản chất của
nó là một tội đại ác, độc hơn mọi thứ tội của Stalin (và của chúng ta luôn).
Sau đó phải kể đến đợt người cuồn cuộn vô tù 3 năm liên tiếp, từ 1944 đến
1946 cỗ đại giang Yenisei. Một số dân tộc bị tống trọn vẹn cho trôi tuốt mất
hút chưa kể đến hàng triệu, hàng triệu người đi lính bị bắt làm tù binh hay
là dân bị bắt đưa sang Đức mãi sau này mới được hồi hương.
Chủ trương ruột của Stalin là “kẹp cứng vết thương cho mau lên da non” để
bộ máy nhà nước phải làm hụt hơi, làm không ngừng nghỉ cho suy yếu khỏi
cất đầu nổi!
Tuy nhiên những lớp dân này cũng thấp cổ bé miệng lấy ai ra mà ghi chép