Giáo hội và nạn đói
Tài sản của Giáo hội sẽ bị xung công như thế nào?
Vụ án giáo khu Mạc Tư Khoa
Dĩ nhiên phiên toà xử phải là Toà Cách mạng Mạc Tư Khoa, nhóm họp từ
ngày 26-4 ở Viện Bảo tàng Bách khoa, Chánh thẩm Bek với 2 Công tố viên
Lunin và Longinov. Cả thảy có 17 người, cả giám mục lẫn giáo dân bị cáo
tội phổ biến ý chỉ của Giáo chủ Tikhon. Trước Toà Cách mạng thì tội phổ
biến nặng hơn tội không cung hiến tài sản nhiều! Chứng cớ là Giám mục
Zsozersky đã cung hiến tất cả tài sản trong giáo đường nhưng vẫn tôn
trọng ý chỉ Đức Giáo chủ "xung công, truất hữu tài sản của Giáo hội là một
xúc phạm cấm điều". Chỉ vì điều sau này mà ông giám mục bị coi là chánh
phạm trong phiên xử – để rồi sau đó bị xử bắn!
(Sự kiện trên đây cho thấy cứu đói chỉ là một cơ hội viện dẫn để nhà nước
nhằm việc bẻ gãy xương sống nhà thờ).
Ngày 5 tháng 5 đích thân Giáo chủ Tikhon bị mời ra Toà Cách mạng Mạc
Tư Khoa làm nhân chứng. Lúc người bước vô phòng xử, đa số những
người có mặt lật đật đứng dậy chào kính. Dù sao cũng mới 1922, dù số cử
toạ đã chọn lựa song dân Nga hãy còn lòng tôn kính chớ đâu phải như
những năm 1937, 1968!
Trước hết Toà hỏi về tội viết và phổ biến lá thư khẩn ngày 28-2, Giáo chủ
Tikhon xác nhận chỉ một mình người là tác giả, nhưng Chánh thẩm Bek
nhất định hướng cuộc thẩm vấn sang một ngã khác:
"Giáo chủ nói vậy đúng không? Có phải tự tay ngài viết ra hết được không?
Ngài viết ngần ấy hàng chữ một mình? Ngài chỉ ký tên mới phải chứ? Xin
ông cho Toà hay ai đã viết, hoặc ai đã giúp ý kiến cho ngài viết? Tại sao
ngài tố cáo báo chí có phong trào nhằm triệt hạ ngài? Để làm gì? Ngài
muốn nói gì?"
"Câu hỏi đó thiết tưởng ông Chánh thẩm nên đặt ra với người khởi xướng
phong trào đúng hơn! Họ định nhằm mục đích gì?"