nghe thấy tiếng đàn bà).
Thế rồi nhờ giọng nói xa xôi đó Arvid chợt nhìn thấy và nhận ra nước Nga
đích thực. Làm như chính xứ sở này lên tiếng với gã vậy. Được hướng dẫn
như vậy làm gì chẳng nhận ra và ngày hôm sau gã mới để ý nhìn qua cửa sổ
thấy những mái rơm thấp thoáng, kèm theo lời phụ đề buồn buồn của người
con gái không hề thấy mặt.
Nước Nga là như thế này đây. Những thằng tù chen chúc trên toa xe, không
phàn nàn. Cô gái khuất mặt bên kia vách sắt. Đám lính hộ tống ngủ khoèo,
mấy trái lê lăn lông lốc, một hầm bom hơi ngạt và một con ngựa có người
cưỡi thong thả lên lầu hai,
*
"Lính sen đầm, lính sen đầm kia rồi!". Đám tù chỉ chỗ, bàn tán. Từ đây trở
đi được sen đầm hộ tống, sung sướng hơn lính hộ tống nhiều.
Xin lỗi, những hàng chữ trên không phải của tôi. Mà là trích của V.G.
Korolenko trong tập hồi ký Thế hệ tôi ấn hành ở Mạc Tư Khoa năm 1955.
Chúng tôi khác, không thể có cảm giác sung sướng được các ông Mũ xanh
đi hộ tống! Chỉ trừ mắc kẹt dọc đường, nghĩa là tới nơi mà không có đại
diện khám ra đón nhận đã đành phải ở lại trên xe cùng toán hộ tống. Đi tới
đi lui mãi chừng thấy Mũ xanh đón đợi không mừng vui sao được?
Và ít nhất cũng khỏi đói.
Thông lệ một thằng tù được chỉ định xuống một nhà ga nào đó mà không
thấy người địa phương ra nhận thì toán hộ tống chỉ đợi đúng 2 phút. Xe
chuyển bánh là nó mắc kẹt, phải ở lại với toán hộ tống. Nhưng từ đó nhịn
ăn, khẩu phần đâu mà chia? Không lẽ buộc lính đi áp tải nhường phần
bánh? Có thằng phải xuống ga xép Tulun nhè địa phương đón hụt mà cứ
phải "làm con thoi" 6 lần giữa Irakutsk và Krasnoyarsk, không được phát
phần ăn. Mà đoạn đường đâu có ngắn ngủi! 18 giờ đồng hồ. Lần thứ 7 qua
ga Tulun thấy lố nhố vài chiếc Mũ xanh mừng như sống lại!
Sự thực ngồi xe Stolypin gò bó, ngộp thở đến rã rời. Sắp tới một đô thị lớn
đâm ra phân vân, không biết nên cầu mong xe chạy thẳng tới nơi sớm cho
rồi, hay nghỉ ở khám tạm cho đỡ mệt. Chỉ khi nào thấy toán hộ tống xôn