Alexandre Soljenitsyne
Quần đảo ngục tù
Phần II - Đến đi, đi đến
Cửa vào quần đảo
Hãy lật bản đồ Tổ quốc ra mà coi. Nhớ lựa một tấm lớn để coi cho rõ.
Những chấm đen đậm là tỉnh lỵ, là nơi những đường giao nhau, là những
trạm chuyển tiếp. Đường sông, đường núi ngoằn ngoèo.
Những chấm đen đậm sao mà nhiều thế? Chỗ nào cũng có chi chít mọc như
đầu ruồi dễ sợ lạ! Không, đó chỉ là tấm bản đồ đặc biệt ghi rõ những cửa
vào quần đảo. Nhưng không phải những cửa biển, những bến tàu thơ mộng
trong truyện Aleksande Grin, nơi rượu ngon gái đẹp tràn trề.
Ở xứ này có thằng Zek nào không biết năm ba trạm tiếp nhận hay Trại Cải
tạo? nhiều người còn nhớ đến mười, mười lăm, và gọi là Con đẻ Cải tạo là
phải nhớ vanh vách 50 tên trại! Nhưng ghi nhận bằng ký ức dễ lẫn lộn quá.
Trại nào chẳng giống trại nào? Này đám lính hộ tống mù chữ “đánh vật”
với bản điểm danh, những buổi chiều chầu chực chờ đợi giữa mưa phùn
nắng gắt, những phiên tra xét cỡi trần cởi truồng hết, lục lọi mãi. Này hớt
tóc dơ dáy, tắm nước lạnh nhờm tởm, cầu tiêu thối hoặc hành lang ướt át
sâu hun hút. Này xà lim tối om chật cứng hơi người hầm hập xông lên, từng
dãy dài đầu người lố nhố ngoi lên khỏi ổ. Bánh mì muôn năm nhão nhoẹt,
cháo toàn đồ phế thải nấu lại.
Trí nhớ bén nhọn, nhớ không sót từng đặc điểm từng trại thì cố ngồi
nguyên một chỗ chẳng một hệ thống trạm dọc đường in sâu trong óc từ hồi
nào bỗng hiện ra một loạt. Novosibirsk hả? Còn lạ gì, từng ở đó mà. Cả dãy
nhà lao kiên cố, cột kèo bự kinh khủng chớ gì? Irkutsk là chỗ đặc biệt cửa
sổ cũng xây gạch từng lớp bít bùng, hết lớp này đến lớp khác, phải không?
Còn Vologda thì phòng giam ọp ẹp, tháp canh vây quanh, cầu tiêu lầu trên
nằm ngay lầu dưới, ngó thấy hết! Trại Usman thì vô địch về kiến trúc cổ lỗ
và về rệp. Có điều tù đông rệp còn đông gấp bội, mỗi lần chở tù ra xe thì
rệp rớt lộp bộp nằm từng đống dọc đường chớ gì.
Nếu anh tính qua mặt “dân trong nghề”, bảo rằng “thỉnh thoảng cũng có
tỉnh lỵ không có khám tiếp nhận chứ” thì anh hố ngay. Họ cả quyết chẳng