chứa tối đa của khám tiếp nhận Kotlas chỉ tới mức 7 ngàn 5 trăm tội phạm
với số tử trung bình 1 ngày 50 mạng. Ban Vệ sinh khám làm việc trối chết
– nhất là tiểu ban khiêng cáng xuống nhà xác – nhưng Ban Quản đốc
Kotlas hài lòng vì tỷ lệ tù tử vong luôn luôn dưới mức 1%. Tính ra một
thằng tù nằm Kotlas còn sống được tới 5 tháng, theo toán học. So với các
Trại Cải tạo thì nơi đây còn là CÕI THỌ (Cứ vô đi, rồi biết!)
Ở các địa hạt sản xuất khác, kế hoạch gia nhà nước không chịu chấp nhận,
một mức độ hư hao lớn lao cỡ này. Hư đến 2 phần 3 của một phần trăm
hàng hoá sản xuất hàng ngày – kể cả rau tươi, trái tươi nhập kho - hiển
nhiên làm băng hoại kinh tế nước nhà! Đối với dân quần đảo càng đi sâu
vào nếp sống Trại Cải tạo càng khám phá ra rằng hình thức nhà giam biến
mất dần: Đúng là những nhà kho người để cho “nhập kho” đám tù từ các
khám tạm chuyển tiếp các nơi chuyên chở đến.
Nhà kho Karabas tỉnh Karaganda trong năm bảy năm đã tiếp nhận nửa triệu
tù để phân phối đi các trại mà. Năm 1942 Yuri Karbe đã ghé qua nơi này,
vô sổ cái dưới số hiệu thằng tù thứ 433 ngàn. Con đẻ quần đảo thường coi
Karabas là khám tiếp nhận tiêu biểu. Đúng vậy, nếu cần lưu lại một chứng
tích lịch sử thì Karabas phải là Bảo tàng viện mới đúng. Tuy nhiên nhà
nước đã xoá bỏ để lập nhà máy sản xuất dụng cụ xi-măng đúc. Đặc điểm
Karabas là những dãy nhà đất thấp lè tè như hang, nền bằng đất nện. Nền
đất lâu ngày láng coóng, mịn mặt nên Ban Quản đốc bày trò ngày nào cũng
bắt tù xách hết đồ ra ngoài trời để Ban Mỹ thuật vô quét vôi nền nhà, vẽ
những bức “bích hoạ” khổng lồ. Đêm đến tù vô nằm xoá bỏ bằng hết tác
phẩm và sáng mai Mỹ thuật sáng tác lại từ đầu.
Khám Knyazh Pogost ở vĩ tuyến 63 đặc biệt là cả dãy nhà sàn, dựng trên
bãi sình, vách là những tấm bạt căng chỗ kín chỗ hở. Từ những hàng cừ
cắm sâu xuống sình đến cột kèo sàn nhà, ổ ngủ đều bằng nguyên cây gỗ
không bào. Cũng 2 tầng ổ ngủ trên dưới nên lâu ngày cứ lún dần, sàn nhà
muốn đụng mặt sình, nhiều chỗ sình dâng lên ngập ngụa, hôi thối. Đêm về
phải biết là lạnh cóng nhưng xét ra cũng chưa sợ bằng những lúc phải di
chuyển. Trên bãi sình dĩ nhiên mọi đường đi lối lại trong khám đều là cầu
khỉ lớn nhỏ. Thân hình yếu ớt gió thổi bay, biết bao nhiêu mạng tù đã rớt