thuyền lớn kiểu xà lan phẳng đáy, chở tù đến Vorkutlag hay Ust-Usa. Dân
quần đảo kỳ cựu làm sao quên nổi những xà lan chấy, rận nhung nhúc như
dòi này? Rận chấy phá đến nỗi bò lổm ngổm đầy thuyền, lính hộ tống phải
cho tù đi từng mạng lên trên mui chải, rũ chúng xuống sông! Có những
chuyến chở tù không đi đâu xa mà loanh quanh mất đến 10 ngày, vì xà lan
đâu phải chỉ sử dụng duy nhất vào việc đưa tù đi đày? Ghé bên này, nằm
đợi bến khác chán chê vì nơi đây cũng đặt cả hệ thống khám tạm nho nhỏ
dựng trên nhà sàn hay căng lều sát bờ sông. Phải đi vòng vo, lâu lắt các
toán hộ tống mới đủ thời giờ và điều kiện lột những thằng Zek!
Dân sinh sống ở 3 dòng Dvina, Ob và Yenisei làm sao quên những công
voa xà lan đầy nhóc tù – nhộn nhịp nhất là đợt thanh trừng Kulak. Ba dòng
sông cùng chảy ngược lên biển Bắc, phải có những xà lan khổng lồ đi thành
công voa mới chuyên chở kịp cả rừng người đi Cải tạo! Tù nằm dưới lòng
xà lan chen chúc như cua cá xếp lớp. Lòng xà lan sâu như giếng, có sức
chở tối đa. Lính gác ngồi tuốt trên “lồng cu” chĩa súng xuống. Có xà lan lộ
thiên, thỉnh thoảng mới có chiếc được phủ tấm bạt khổng lồ. Để che cho
khuất, để chắn cho tù khỏi trốn chớ chẳng phải che mưa che nắng, vì đã bị
liệng xà ngầu xuống lòng xà lan là phải chịu thân phận ngoi ngóp, lúc nhúc
của mớ cá mớ cua. Ngay ân sủng cũng vứt xuống cái gì thì chia nhau cái
đó, không có thì đành chịu. Kulak mà. Khi di chuyển đã vậy, ngay trong
trại cũng không có vấn đề dự trữ thực phẩm cho bọn phản động. Giữa miền
Taiga hoang vu phải ráng xoay sở lấy bằng cách tranh sống với thiên nhiên!
Khỏi nói đợt đi đày Kulak chỉ là một hình thức tiêu diệt dần dà, có hệ
thống.
Cho đến 1940 vẫn còn những công voa xà lan trên sông Dvina (mạn Bắc)
và sông Vychegda, theo lời nhân chứng Olenyev. Dưới lòng cà lan tù thì đủ
chỗ đứng mà không phải chỉ đi một vài ngày. Đi đái đã có những bồn nhỏ
chuyền tay nhau và trút qua mấy lỗ thông hơi xuống sông, nhưng đi cầu thì
không có cách nào khác hơn là bậy ra đũng quần!
Trên sông Yenisei việc chở tù bằng công voa xà lan tiến hành thường xuyên
trong mấy chục năm liền. Vì vậy khám Krasnoyarsk mãi đến thập niên
1930 còn những bến tàu lộ thiên ở ven sông để tập trung tù nhân chở tàu.