với các công ty trong ngành công nghiệp điện châu Âu. Và tại Anh, trong
vòng 10 hoặc 15 năm, Arnold Weinstock đã biến công ty British General
Electric từ một công ty đang hấp hối thành công ty dẫn đầu trong ngành
công nghiệp nhờ gấp đôi hiệu quả vốn, mà không cần phải “vắt kiệt lao
động” hay “bóc lột lao động” nào. Giờ đây, Weinstock có đủ khả năng trả
lương cao hơn cho nhân viên của mình và mang lại cho họ một công việc
ổn định hơn nhờ hiệu quả vốn trong công ty cao. Một ví dụ khác là hệ
thống cửa hiệu Marks&Spencer ở Anh. Ưu thế của nó là ở chỗ đạt được
doanh số gần gấp đôi (tính trên một đơn vị không gian giá để hàng hoặc
trên một mét vuông diện tích chỗ để hàng) so với tất cả các cửa hiệu bán lẻ
ở Anh hoặc ở châu Âu. Và thành công này không phải dựa trên một “điều
bí mật” nào, mà duy nhất và chỉ duy nhất dựa vào hoạt động tích cực và
cam kết sử dụng hiệu quả nhất tất cả các nguồn lực.
Giờ đây, các nhà quản lý trên toàn thế giới đều cần phải thực hiện cam
kết này. Để thực hiện được điều đó, họ cần đặt ra hai mục tiêu đối với tổ
chức của mình. Thứ nhất là tạo ra sự gia tăng gấp đôi hiệu quả nguồn tiền
trong doanh nghiệp - hiệu quả vốn - trong vòng từ 8 đến 10 năm, tức là
tương đương với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 7,5%. Thứ hai là nâng
cao năng suất tối thiểu 50% trong 8 đến 10 năm mà không cần tăng nhân
lực. Điều đó có nghĩa là phải nâng cao hiệu quả của lực lượng lao động từ
4% tới 5% mỗi năm. Cả hai mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, dĩ
nhiên là phải thông qua làm việc chăm chỉ.
Bốn yếu tố cơ bản phải được quản lý liên tục, có cơ sở và toàn diện để
mang lại hiệu quả đó là: vốn, tài sản vật chất quan trọng nhất, thời gian và
tri thức. Mỗi yếu tố cần phải được quản lý theo một cách thức riêng biệt và
độc lập.
Hầu hết các nhà quản lý đều nhận thức được rằng một năm cần phải
quay vòng tiền vốn đầu tư của mình bao nhiêu lần, nhưng họ lại luôn suy
nghĩ rằng “tiền của mình” và “tiền đi vay”, cũng như “các khoản nợ” và