thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, cơ cấu dân số sẽ ở trạng thái bất ổn nhất,
và những yếu tố thay đổi lớn nhất trong nền kinh tế, xã hội và nền chính trị
thế giới - những hệ quả của thời kỳ khủng hoảng - cũng sẽ diễn ra.
Mặc dù các nhà kinh tế, các doanh nhân và các nhà chính trị về cơ bản
đều ý thức được những vấn đề dân số cơ bản này, song họ lại không dành
nhiều sự quan tâm cho nó - và sẽ luôn bào chữa, thanh minh cho hành động
đó của mình. Đó là vì những thay đổi về dân số diễn ra trong một khoảng
thời gian lâu dài (từ 40 cho đến 50 năm) đến mức phần lớn những thay đổi
này dường như không quan trọng đối với những quyết định ngắn hạn - sẽ
thay đổi chỉ trong khoảng 4 đến 5 năm - của các nhà kinh doanh và các
chính trị gia.
Nhưng trong suốt nửa sau của thế kỷ XX, thời gian biến đổi của cơ cấu
dân số đã thay đổi, ngày nay chúng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn
hơn rất nhiều. Không những thế, chúng còn diễn ra nhanh hơn, bất ổn hơn
và đầy mâu thuẫn, dù rõ ràng chúng có thể dễ dự đoán hơn so với những
vấn đề khác rất nhiều. Chúng ta đều biết rằng, tất cả lực lượng lao động của
năm 2000 đều được ra đời vào ngày hôm nay. Điều này đúng cả với các
nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, dù ở các nước đang phát triển
lứa tuổi bắt đầu tham gia lao động thấp hơn rất nhiều so với thế giới
phương Tây (vẫn đang duy trì ở lứa tuổi từ 14 đến 15 - lứa tuổi lao động
của phương Tây trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai).
Ở tất cả các nước phát triển, sau chiến tranh thế giới thứ Hai, đều xuất
hiện sự bùng nổ dân số. Xuất phát điểm của nó là ở Mỹ, nơi tỷ lệ trẻ sơ sinh
sống sót tăng lên gần 50% trong hai năm từ 1947 đến 1949 - một bước
nhảy vọt chưa từng có tiền lệ mà thực tế không có lời giải đáp. Nhật Bản
cũng tiếp tục xu hướng tương tự với chỉ số sinh đẻ cao, nếu không nói là
cao hơn, vào đầu những năm 1950. Nước cuối cùng trong nhóm những
nước phát triển xảy ra hiện tượng bùng nổ dân số này là Đức, bắt đầu từ
giữa những năm 1950.