công nghệ cao và coi người chủ - dù tại các trường đại học, bệnh viện hay
các doanh nghiệp - chỉ là “một công cụ phục vụ cho mục đích” của mình.
“Sự trung thành” và bổn phận của họ giờ đây được hướng đến và phục vụ
cho mánh khóe, công cụ, nguyên tắc và các phương pháp thực hiện của họ,
chứ không phải cho một trường đại học, một bệnh viện hay một cộng đồng
nữa. Và chúng ta cũng sẽ có xu hướng thuê những người là lao động thời
vụ, những người từng làm việc toàn thời gian cho một ông chủ trong một
giai đoạn, sau đó là làm bán thời gian cho một ông chủ khác, trong một giai
đoạn khác.
Một sự thay đổi lớn tương tự là khái niệm về lứa tuổi. Trước thế kỷ XIX,
người ta chưa có khái niệm về “tuổi về hưu” và cũng chưa có các khoản
“lương hưu”. Lý do là vì tuổi thọ dân số khi đó khá thấp. Sau đó, vào năm
1880 dưới thời kỳ Bismarks của Đức, lần đầu tiên chính sách nghỉ hưu
được đưa ra. Lúc đó người ta còn cho rằng, chúng ta không thể sống sót
đến lúc thực hiện chính sách đó được, và chắc chắn là không thể khỏe
mạnh để tiếp tục làm việc được nữa. Hệ thống trợ cấp truyền thống - mà tàn
dư của nó vẫn còn tồn tại quanh đây - được tạo ra nhằm giúp đỡ những góa
phụ và trẻ nhỏ chứ không phải là để hỗ trợ những lao động hết thời bằng
một khoản tiền trợ cấp nghỉ hưu.
Hệ thống trợ cấp còn tồn tại phổ biến tại hầu hết các công ty của Nhật
Bản, đặc biệt là tại các công ty nhỏ, được thành lập cách đây khoảng 50
năm - tức là vào những năm 1920. Kể từ đó, người lao động nghỉ hưu ở
tuổi 55 sẽ nhận được một khoản tiền tương đương với số tiền lương của 2
đến 3 năm. Nhưng nếu người đó chết trước khi đến tuổi về hưu thì vợ và
các con nhỏ của họ sẽ được chăm lo tương đối tốt. Cách đây 50 năm, hệ
thống này được coi là phù hợp vì tuổi thọ trung bình lúc đó là 40. Nhưng
ngày nay, khi tuổi thọ bình quân ở Nhật là 75 thì hệ thống đó hoàn toàn
không thích hợp nữa.