Machiavelli còn nằm trong chính tấm gương của ông là một con người tiêu
biểu của thời kỳ Phục hưng.
Ông là một con người luôn hành động, một chính khách và là một nhà
ngoại giao. Ông cũng là một con người của thơ văn với những công trình
kinh điển trong lĩnh vực chính trị học, lịch sử và thậm chí cả sân khấu kịch
nữa. Vở kịch Mandragola do ông viết kịch bản được đánh giá là vở hài kịch
vĩ đại nhất của Italia. Ông đã dùng những kinh nghiệm tham gia chính sự
của mình làm chất liệu cho các tác phẩm này. Đồng thời, ông đã dựa vào tài
thơ văn, học vấn uyên thâm và trí tuệ của mình để vượt qua những rối ren,
đôi lúc rất nguy hiểm của chính sự. Bởi vậy, ông là một tấm gương về sự
uyên bác, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng và hành động và được
đánh giá rất cao trong thời kỳ Phục hưng.
VỀ TÁC PHẨM
Kể từ khi xuất hiện vào đầu thế kỷ XVI, tác phẩm Quân vương đã luôn
là một đề tài gây tranh cãi. Tập sách mỏng này đã trở thành một tác phẩm
kinh điển về tư tưởng xã hội hiện đại và là phần không thể thiếu khi bàn
đến những tác phẩm vĩ đại, đến học thuyết chính trị và về văn hóa thời
Phục Hưng và đến nay, cuốn sách này vẫn tiếp tục là đề tài tranh cãi nóng
hổi.
Mặc dù Machiavelli hoàn toàn dự đoán được những phản ứng quyết liệt
của độc giả đối với giọng văn phê phán của ông, nhưng có lẽ chính bản
thân ông cũng sẽ ngạc nhiên trước những cách hiểu phong phú và đa dạng
về tác phẩm này trong bốn thế kỷ qua. Khi tác phẩm ra đời, mục đích thực
tiễn ban đầu của Quân vương đã thay đổi nhưng cách xử lý tận gốc rễ và
triệt để các vấn đề cơ bản về triết học và chính trị vẫn luôn hấp dẫn độc giả
cho dù phần nhiều trong số họ không ý thức được mục tiêu chính trị thực tế
mà Machiavelli ngầm đưa ra trong luận điểm của mình.
Mặc dù chứa đựng nhiều khái niệm cơ bản về triết học chính trị của
Machiavelli nhưng tác phẩm này không phải là một sự trình bày hệ thống,