Niccolò Machiavelli
Quân Vương (2)
Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 16
HÀO PHÓNG VÀ KEO KIỆT
Bàn về những đức tính đầu tiên kể trên, tôi có thể nói là, nếu được coi là
người hào phóng thì cũng là điều tốt, nhưng nổi tiếng về sự hào phóng sẽ
chẳng đem lại điều gì tốt đẹp. Nếu sự hào phóng được sử dụng một cách
đúng mực như lẽ thường tình thì sự hào phóng đó sẽ không được công nhận
và ngài sẽ không tránh khỏi những lời chỉ trích là keo kiệt. Thế nên, nếu
quân vương muốn được tiếng hào phóng đối với những kẻ quanh mình thì
ông khó lòng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để thể hiện sự xa hoa.
Nhưng khi làm vậy, quân vương sẽ tiêu sạch những gì mình có và
cuối cùng, để duy trì cái tiếng tăm hào phóng của mình, ông sẽ buộc phải
đè nặng dân chúng bằng những khoản thuế chồng chất, và không từ việc gì
để thu được tiền bạc. Điều đó bắt đầu khiến ông bị thần dân ghét bỏ, và khi
trở nên khánh kiệt, ông sẽ chẳng được ai kính trọng. Như vậy, hậu quả của
sự hào phóng là làm cho nhiều kẻ thù ghét, một số ít kẻ được ban ơn, nên
bất kỳ một bất ổn nhỏ nhặt nào cũng sẽ tác động đến quân vương và ông sẽ
thấy mình sụp đổ ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của hiểm nguy. Khi nhận ra
điều này và muốn sửa đổi chính sách thì ngay lập tức, ông lại đứng trước
mối đe dọa bị chỉ trích là kẻ keo kiệt.
Do vậy, khi không thể lợi dụng tính hào phóng mà không bị nó làm
hại, bậc quân vương khôn ngoan không nên lo lắng việc bị kẻ khác gọi là
keo kiệt. Bởi vì dần dần các thần dân sẽ thấy ông hào phóng hơn một khi có
các bằng chứng thực tế là nhờ sự tằn tiện, ông có đủ thu nhập nên có thể tự
bảo vệ mình trước bất kỳ kẻ nào mưu toan gây chiến và có thể làm những
việc lớn mà không cần bóc lột thần dân.
Nhờ vậy, quân vương trở nên hào phóng với tất cả những kẻ không
bị ông cướp đoạt, mà những người này nhiều vô số. Nhưng ông sẽ trở thành
kẻ keo kiệt với một số ít những kẻ không được ông cho gì. Ngày nay,