quảng cáo nào có thể giải thích rõ ràng mẩu quảng cáo đó và cơ chế gây tác
động của nó. Những thông tin nào liệt vào dạng ‘đã biết’ chỉ đơn giản lướt
qua trong tâm trí, trong khi chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào phần
thông tin được cho là mới trong mẩu quảng cáo. Tâm trí chúng ta thường có
xu hướng chỉ xếp thông tin ‘đã biết’ vào hạng mục ‘lời nhắc nhở’ và mặc
nhiên cho rằng thông tin đó là chính xác, để dành năng lực tư duy để xét tính
chân thật của thông tin ‘mới’.
Lời nhắc nhở
Tâm trí chúng ta có thể, bằng nhiều cách, lọc ra những gợi ý đâu là thông
tin ‘mới’ trong mẩu quảng cáo, đâu là thông tin ‘sẵn có’ hay đã biết. Trong
giao tiếp hằng ngày, người ta thường dùng cụm từ ‘như bạn đã biết’. Thử
xem xét cách nói sau:
‘Như bạn đã biết, học sử dụng máy Mac tốn ít thời gian hơn các loại máy
khác. Trên thế giới, Mac là máy tính được sử dụng nhiều nhất trong khắp các
trường học.’
Cụm từ ‘như bạn đã biết’ có tác dụng chuyển hướng một phần tập trung
của chúng ta khỏi việc đánh giá nhận định ‘học sử dụng máy Mac tốn ít thời
gian hơn các loại máy khác’. Nếu chúng ta muốn đánh giá, rất có thể chúng
ta sẽ đánh giá nhận định ‘Trên thế giới, Mac là máy tính được sử dụng nhiếu
nhất trong khắp các trường học’ vì đây là thông tin mới, đang được khẳng
định trong mẩu quảng cáo.
Cách nói ‘như bạn đã biết’ hoạt động như một tín hiệu khiến người nghe
nghĩ rằng đấy là một lời nhắc nhở – thông tin truyền đạt chỉ được xem là lời
dẫn vào một điều gì khác. Nó đón đầu những bực mình có thể có trong chúng
ta về mẩu quảng cáo đó và tránh những phản ứng khó chịu theo kiểu ‘Biết
rồi, khổ lắm, nói mãi!’
Quan trọng hơn nữa, khi một thông tin được liệt vào dạng lời nhắc nhở
thay vì thông tin mới, chúng ta sẽ nghĩ thông tin này đã được lưu trữ đâu đó
trong trí nhớ. Chúng ta sẽ nghĩ thông tin là ‘đã biết’ và là thông tin chính
xác.